Quyết chống tham nhũng vặt 

(Chinhphu.vn) – Chính phủ vừa tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, trong bối cảnh tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

 

"Tham nhũng vặt" gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mới nhất, vụ việc một số cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng bị khởi tố, điều tra về hành vi "nhận hối lộ" đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, hầu hết các đơn vị nằm trong danh sách và đã được đoàn tiến hành thanh tra đã phải đến “nộp” tiền.

Đây là vụ việc mới nhất cho thấy tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Trước đó, cũng đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực (hải quan, thuế, quản lý thị trường…) và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và Bộ, ngành.

Với vị trí của mình, có những cán bộ công chức đã hình thành cho mình những “bí kíp” sách nhiễu gợi ý để bất cứ cá nhân tổ chức nào dù “khờ khạo” đến mấy cũng buộc phải hiểu phải tỏ ra biết điều và cuối cùng phải móc túi chi tiền. Điều này gây ra gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân. Không chỉ có vậy, “tham nhũng vặt” còn gây ra nhiều hệ lụy khác, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở một số nơi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn thừa nhận đại biểu và cử tri rất bức xúc về việc điều chỉnh quy hoạch “chạy theo nhà đầu tư”, điều chỉnh nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng, giảm không gian công cộng… dẫn tới nhiều vấn đề, hệ lụy về xã hội. Người dân có quyền đặt câu hỏi, liệu nạn “tham nhũng vặt” có liên quan tới thực trạng này hay không? Liệu những vụ việc tương tự việc “vòi tiền” ở Vĩnh Phúc có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong quản lý, quy hoạch xây dựng?

Ngay sau vụ việc liên quan tới đoàn thanh tra ở Vĩnh Phúc nói trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn số gửi Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ký Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Câu chuyện về đoàn thanh tra xây dựng ở Vĩnh Phúc cũng đặt ra câu hỏi về động cơ thực sự phía sau dẫn đến tình trạng kiểm tra, thanh tra liên tục, chồng chéo với một số doanh nghiệp. Tại một cuộc hội thảo, một CEO của chuỗi thực phẩm sạch đã cho biết trong 7 ngày doanh nghiệp của ông đã phải tiếp đến 7 đoàn thanh tra. Thậm chí doanh nghiệp này còn phải thành lập một bộ phận chuyên biệt chỉ để tiếp đón các đoàn thanh tra.

Nhằm ngăn chặn tình trạng thanh tra “hành” doanh nghiệp, tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó quy định rõ số lần thanh kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp trong một năm.

Chỉ thị nêu rõ, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

Chức năng của thanh tra là phát hiện những sai phạm, đề nghị cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên nếu thanh tra cố ý làm trái lợi dung túng bao che sai phạm để trục lợi thì đồng nghĩa với việc cái sai, cái xấu được tiếp tục nhân lên, hậu quả để lại cũng vì thế mà tăng lên.

Sự quyết liệt, nỗ lực của Đảng Chính phủ với nhiều giải pháp đồng bộ cũng chưa thể giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn căn bệnh tham nhũng vặt. Hy vọng rằng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia rộng rãi của người dân, tình trạng “tham nhũng vặt” sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi.

Quang Lê

307 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1256
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1256
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143697