|
Ảnh minh họa |
BHYT là cơ chế tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chính sách BHYT đã được triển khai thực hiện từ năm 1992 bằng việc ban hành các nghị định của Chính phủ về thực hiện BHYT. Năm 2008, Luật BHYT đã được Quốc hội khóa 12 thông qua. Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 1/7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”.
10 năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 45% (năm 2009) lên 89,6% (tháng 6/2019). Con số này vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao là 88,1%. Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.
Như vậy, chỉ còn hơn 10% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa có BHYT, thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.
Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho Báo Sức khỏe và Đời sống biết, với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra.
Cũng theo ông Toàn, lý do tỷ lệ tham gia BHYT gia tăng nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao có liên quan đến chính sách và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động có hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh BHYT, sự hài lòng của người bệnh ngày càng tăng, người dân đã tin tưởng vào chính sách BHYT...
Về quyền lợi của người tham gia BHYT, ông Phan Văn Toàn cho biết, người tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác nhau có các mức hưởng BHYT khác nhau: Người nghèo, đối tượng ưu đãi xã hội, trẻ em được hưởng 100%; người cận nghèo, người nghỉ hưu hưởng mức 95%, và người lao động hưởng 80%.
Quyền lợi BHYT (thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật y tế...) được xác định trên cơ sở mức đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người tham gia, nhất là hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.
Nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Song hành với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm; triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình.
Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.
Chưa điều chỉnh mức đóng BHYT trong thời gian tới
Trước mối lo của người dân về cân đối thu chi Quỹ BHYT, đại diện Bộ Y tế cho biết, từ năm 2009, mức đóng được tăng từ 3% lên 4,5%, nên Quỹ BHYT đã có kết dư (năm 2015 Quỹ kết dư khoảng 52.000 tỷ đồng).
Từ năm 2016 có điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tăng và các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới được Quỹ BHYT chi trả, nhưng Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu-chi do có nguồn kết dư và nguồn quỹ dự phòng.
Do đó, trong một vài năm tới chưa cần điều chỉnh mức đóng BHYT, vì thế chưa tác động đến nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như chưa tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp và người lao động.
|
CM