Quy trình đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình hợp pháp 

(Chinhphu.vn) – Việt Nam có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, New Zeland, một số nước Đông Âu, Trung Đông. Hiện nay, có 397 công ty được cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các công ty được công khai trên cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

 

Người lao động sẽ được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, cơ hội đi lao động ở nước ngoài hợp pháp hiện nay rất rộng mở và dễ tiếp cận. Việt Nam có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, NewZeland, một số nước Đông Âu, Trung Đông.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, lĩnh vực này được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, có 397 công ty được cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các công ty được công khai trên cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Hàng năm, gần 150.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động được quan tâm, đảm bảo quyền lợi. Sau nhiều năm, rất ít sự cố đáng tiếc xảy ra với người lao động đi theo các chương trình hợp pháp.

Trong thời gian tới, do khan hiếm nhân lực, các quốc gia đều có xu hướng tăng tiền lương, hỗ trợ tiền đào tạo và đi lại cho người lao động Việt Nam. Đi lao động ở nước ngoài hợp pháp đã giúp nhiều lao động có việc làm, có thu nhập cao và thoát nghèo.

Cục quản lý lao động ngoài nước cũng đã thông tin chi tiết về quy trình thủ tục đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp dành cho người lao động.

Theo đó, thứ nhất, người lao động cần đăng ký đi làm việc ở nước ngoài ở doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động sẽ được tư vấn các lĩnh vực, ngành nghề, công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ, độ tuổi, giới tính, sức khỏe, chi phí phải đóng góp và tiến độ nộp các khoản chi phí. Người lao động lựa chọn thị trường và đơn hàng phù hợp.

Tiếp theo, người lao động tham gia tuyển chọn trực tiếp hoặc qua mạng, sau khi trúng tuyển đơn hàng sẽ phải khám sức khỏe tại các cơ sở y tế đáp ứng điều kiện đi làm việc ở nước tiếp nhận.

Sau đó, người lao động sẽ được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Người lao động sau khi trúng tuyển phải tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết do đơn vị phái cử tổ chức. Khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm 74 tiết học về: Quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và nước đến làm việc, phong tục tập quán nước đến làm việc, các điều kiện hợp đồng lao động... Sau khi hoàn thành khóa học sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Căn cứ vào yêu cầu của chủ sử dụng lao động, người lao động có thể được đào tạo thêm về tay nghề và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ phải ký 2 loại Hợp đồng, đó là: Hợp đồng dịch vụ ký với doanh nghiệp và Hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng nước ngoài. Với cả 2 loại hợp đồng trên đều phải có ngôn ngữ Tiếng Việt và người lao động được quyền giữ 1 bản hợp đồng sau khi hai bên đã ký.

Người lao động cần đọc rõ các điều khoản trong hợp đồng dịch vụ ký với doanh nghiệp và hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về các khoản phí người lao động phải nộp; công việc và các điều kiện làm việc ở nước ngoài...

Người lao động có nghĩa vụ nộp các khoản chi phí theo quy định cho đơn vị phái cử (như: phí đào tạo, phí dịch vụ, phí môi giới (nếu có), lệ phí visa, vé máy bay).

Sau khi có visa làm việc, người lao động sẽ xuất cảnh sang nước tiếp nhận để làm việc theo thời hạn của Hợp đồng đã ký. Sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài về nước, người lao động có trách nhiệm phải đến đơn vị phái cử để thanh lý hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.

Thời gian qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dừng và thu hồi giấy phép của nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm; đẩy mạnh đàm phán ký kết với nhiều ưu đãi với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc; trình Quốc hội sửa đổi Luật đưa người đi lao động ở nước ngoài (dự kiến thông qua trong năm 2020), xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để người lao động ở nước ngoài kết nối nhanh với Bộ và có chức năng SOS khi cần thiết.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, cấp phép bổ sung cho gần 100 doanh nghiệp đủ điều kiện để mở rộng dịch vụ đến người lao động có nhu cầu, đẩy mạnh sự tham gia của các trường nghề để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thu Cúc

333 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 927
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 927
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89001265