Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Bày tỏ sự thống nhất cao cần phải có Nghị quyết xử lý nợ xấu, đại biểu (ĐB) Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu bán từng nhóm nợ xấu có tài sản đảm bảo để lành mạnh thị trường là bước đi cấp thiết. Tuy nhiên, ĐB Phạm Phú Quốc  lưu ý, vấn đề là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân.

Trên cơ sở đó, kiến nghị về đối tượng điều chỉnh, bên cạnh các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) cần  bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương vì các quỹ này cũng hoạt động như TCTD và có nợ xấu, ĐB Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm là cần thiết, nhưng cần hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật Dân sự và phối hợp với cơ quan công quyền thu giữ tài sản.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai). (Ảnh: quochoi.vn)

Chỉ ra việc xử lý nợ xấu đã giải quyết được phần nào nhưng vẫn là "cục máu đông" ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) khẳng định việc xử lý nợ xấu là đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn nhưng không thể kéo dài.

Tuy nhiên, ĐB cũng tỏ ra băn khoăn liệu tỷ lệ nợ xấu như báo cáo đã đúng chưa, đủ chưa?. “Cần phải minh bạch để có biện pháp xử lý rõ ràng. Đặc biệt ở những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước tỷ lệ nợ xấu rất nhỏ nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn, bằng cả chục ngân hàng nhỏ cộng lại”, ĐB Đinh Duy Vượt đề nghị.

ĐB cũng cho rằng cần phải làm rõ khái niệm nợ xấu, có quy định chặt chẽ, tránh lỗ hổng để dễ bị lợi dụng.

Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của khách hàng, ngân hàng và cả hệ thống chính trị. Đồng tình bổ sung vào Nghị quyết nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, ĐB Nguyễn Sơn nhấn mạnh, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu.

Đồng quan điểm, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu, nghị quyết cần bổ sung cả nguồn gốc gây ra nợ xấu để xử lý triệt để, quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu.

“Trong dự thảo nghị quyết đã có nói đến không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu nhưng chưa nói đến trách nhiệm”, ĐB Mai Sỹ Diến  chỉ ra.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng, phải xử lý thật nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây nợ xấu, có như vậy mới bảo đảm tính răn đe, tránh để lặp lại tình trạng này trong thời gian tới.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Chính phủ cần tổ chức triển khai quyết liệt, có chế tài kiểm soát, không để các ngân hàng tùy tiện chuyển các khoản nợ khác sang nợ xấu, không để lạm quyền trong thu giữ tài sản của các ngân hàng đối với khách hàng.

Từ thực tế hoạt động trong ngành thi hành án dân sự, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho hay, việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn, thậm chí có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án. “Vậy TCTD khi thu hồi tài sản phải làm thế nào, họ tự làm hay thuê lực lượng khác?. Trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong Nghị quyết nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và Nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế” - ĐB Thu Trang kiến nghị./.

Thu Hằng