Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 

(ĐCSVN) – Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030 đã được Bộ Giao thông Vận tải công bố.

 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: VNR)

Ngày 1/11 tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT chỉ đạo lập tuân thủ theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và các văn bản hướng hướng dẫn. Quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch mạng lưới đường sắt với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.

Bộ GTVT đã xin ý kiến và nhận được sự phối hợp, tham gia góp ý, phản biện của 17 Bộ, cơ quan ngang bộ; 63 địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.

Quy hoạch đã xác định đường sắt là một chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài. Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.

Từng bước đa dạng hoá nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, vận tải đường sắt; tâp trung nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt; tiếp cận huy động nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện, kinh doanh đường sắt.

Xây dựng nền tảng để phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại, đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; từng bước tự chủ trong bảo trì, sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị cho lĩnh vực đường sắt; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chủ động, tích cực liên doanh, chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp đường sắt. Bảo đảm phát triển đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng với công nghiệp đường sắt, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực trong nước.

Chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030:

Về vận tải: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%). Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55% (trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%).

Về kết cấu hạ tầng: Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km, trong đó: Triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh), ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2050: Mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km, trong đó: Hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 là căn cứ, định hướng để Bộ GTVT tiếp tục tổ chức xây dựng các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường sắt./.

 
KC
453 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 944
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 944
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87212417