Hội thảo cơ chế, chính sách quản lý phát triển Đô thị Việt Nam - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Ngày 16/11, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chuỗi các hội thảo chuyên đề về đô thị nhằm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ và hướng tới tổ chức Hội nghị đô thị toàn quốc 2022.
Theo đó, chuỗi các hội thảo bao gồm các hội thảo với các chủ đề: "Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững", "Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị", "Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị".
Các hội thảo đã thu hút khoảng 50 bài viết tham luận và ý kiến đăng ký phát biểu của các diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các hội, hiệp hội, tổng hội, các viện nghiên cứu, trường đại học và các địa phương.
Năm 2022 được đánh dấu với nhiều sự kiện quan trọng có liên quan đến công tác đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam. Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu và nhiêm vụ giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quy hoạch, xây dưng, quản lý và phát triển đô thị.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 với các nhóm hành động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TW.
Đến tháng 9/2022 cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước. Các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước.
Đặc biệt, sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian vừa qua, các đô thị cũng là những nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp các giải pháp thúc đẩy các hoạt động phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa. Nguồn lực tài chính chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn rất hạn chế.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo chuyên đề "Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Trong khuôn khổ của hội thảo chuyên đề "Quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam", chúng ta cần đi sâu phân tích, đánh giá và tìm ra những giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết 06/NQ-TW.
Đó là đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị. Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Các hội thảo đã thu nhận được các ý kiến thiết thực và hiệu quả, gợi mở, tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển đô thị, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với đặc điểm của các vùng miền, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước.
Đồng thời thiết thực hỗ trợ các địa phương định hướng, đề xuất các chương trình hành động để nắm bắt thời cơ và cơ hội và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.
Toàn Thắng