Quy định trách nhiệm của 10 bộ, ngành trong phòng, chống rửa tiền 

(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm của 10 bộ, ngành cụ thể và trách nhiệm của các bộ, ngành khác cũng như Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

 

Chiều ngày 07/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại 1 Kỳ họp. Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đảm bảo an ninh tài chính trước những diễn biến phức tạp của thế giới và sự phát triển của khoa học công nghệ, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật hiện hành, sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết, phạm vi đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, hình thức, nội dung văn bản trong hồ sơ dự án Luật, kết cấu dự án Luật…

Quy định thiếu rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm quản lý, chủ trì, phối hợp

Thảo luận dự án luật, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của 10 bộ, ngành cụ thể và trách nhiệm của các bộ, ngành khác cũng như Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. 

Báo cáo một số ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đánh giá quy định này là cần thiết để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên một số quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; trách nhiệm quản lý về phòng chống rửa tiền giữa các bộ, ngành chưa đồng nhất về mặt tiêu chí nội dung hay lĩnh vực; quy định thiếu rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm quản lý, chủ trì, phối hợp.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cụ thể hóa trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý, giám sát về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF; rà soát, bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như nâng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng 

Góp ý về nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để phòng, chống rửa tiền. Trường hợp cần thiết các cơ quan chức năng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hạ chuẩn giá trị giao dịch để phục vụ công tác điều tra.

Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, đại biểu đề nghị bổ sung bốn khoản: Các ngân hàng phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền. Đầu tư cơ sở vật chất để cải thiện và nâng cấp hệ thống lưu giữ chứng từ. Xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần, liên tục. Tham mưu Chính phủ xây dựng Bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân thủ theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ bị chế tài nghiêm khắc về mặt dân sự, thậm chí hình sự.

Về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị bổ sung một khoản quy định phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tác hại của rửa tiền.

Đối với bố cục của Chương 3 về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh) đề nghị nghiên cứu và hoàn thiện hơn các quy định để đảm bảo tính khả thi cũng như cân đối về nguồn lực của các cơ quan được phân công chủ quản và các đơn vị có liên quan. Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát về trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền để phù hợp với các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF.

Cần thiết bổ sung tài sản ảo, tiền ảo
 
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo lớn, là một trong mười nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Đại biểu nêu rõ, thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.

Đồng tình với sự cần thiết của việc xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng qua thực tế triển khai pháp luật về phòng, chống rửa tiền và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của thế giới với những phát sinh mới, những tranh chấp rủi ro hơn về rửa tiền đã đặt ra yêu cầu cần có những quy định mới hơn để điều chỉnh. 

Theo đại biểu, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm. 

Bày tỏ băn khoăn đối với quy định liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc kinh doanh bất động sản cần phải có một điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với từng thời kỳ dấu hiệu đáng ngờ vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, đại biểu cho rằng, hiện nay việc chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, ngân hàng cấp trên, cấp dưới với nhau chưa được thực hiện một cách đầy đủ và chặt chẽ. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định để khắc phục vấn đề này./.

 
Kim Thanh
385 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1328
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1328
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133251