|
Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh lập dự án thành lập khu bảo tổn biển cấp tỉnh theo trình tự sau:
1- Tổ chức điều tra, đánh giá đa dạng sinh học và lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh;
2- Lấy ý kiến của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã liên quan; ý kiến của cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển thông qua hình thức biểu quyết hoặc phiếu lấy ý kiến đối với dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh;
3- Trình UBND cấp tỉnh thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.
Hội đồng thẩm định dự án ít nhất 7 thành viên
Theo Thông tư, UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh gồm ít nhất 7 thành viên. Hội đồng do lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch, các thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan.
Nội dung thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh bao gồm: Sự cần thiết thành lập khu bảo tồn biển; căn cứ lập dự án thành lập khu bảo tồn biển; mục tiêu, đối tượng bảo tồn; vị trí địa lý, ranh giới và diện tích khu bảo tồn biển, ranh giới phân khu chức năng và vùng đệm; phương án bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử…
Thông tư nêu rõ, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc chính quyền cấp huyện, cấp xã hoặc tổ chức cộng đồng để quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc chính quyền cấp huyện, cấp xã được giao quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý, kế hoạch quản lý phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi khu vực. Tổ chức cộng đồng tự nguyện đề xuất được giao quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuệ Văn