Quy định số 69-QĐ/TW: “liều thuốc” trị bệnh chạy chức, chạy quyền 

Ngày 06/7/2022, đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế cho Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018, về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII.

Có thể khẳng định, Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm là một bước tiến về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn mới đang đặt ra. Đây là Quy định về kỷ luật của Đảng lớn nhất, hoàn thiện nhất từ trước đến nay; nội dung Quy định được hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các hình thức xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên trong quá trình hoạt động. Các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được đặt trong một quy định thống nhất, đồng bộ để xác định cụ thể các hành vi và chế tài xử lý làm căn cứ để kỷ luật. Quy định đã thể hiện rõ tinh thần Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương bốn khóa XIII về đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trong một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên hiện nay.

Quy định gồm 4 Chương, 58 Điều (Chương I: Quy định chung; Chương II: Kỷ luật tổ chức đảng; Chương III: Kỷ luật đảng viên vi phạm; Chương IV: Điều khoản thi hành). Quy định bổ sung nhiều nội dung, quy định mới nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó điểm mới đặc biệt quan trọng là lần đầu tiên nội dung kỷ luật khi đảng viên về chạy chức chạy quyền được đề cập một cách cụ thể. Trước đây, hành vi chạy chức, chạy quyền của đảng viên chỉ là một hành vi bị xử lý kỷ luật trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ mà thôi. Hơn nữa các văn bản hướng dẫn thi hành quy định kỷ luật đảng viên cũng không hướng dẫn nhiều về hành vi chạy chức này. Tuy nhiên, theo Quy định 69-QĐ/TW đã xem xét hành vi chạy chức, chạy quyền thành một Điều kỷ luật riêng. Cụ thế, tại Điều 30 đã tách hành vi chạy chức, chạy quyền của đảng viên thành một hành vi bị kỷ luật riêng biệt.

Cách đây gần 3 năm, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy" chức, quyền, bước đầu cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện hành vi chạy chức, chạy quyền; cũng như xử lý các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, trong Quy định số 205-QĐ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII lại chưa đề cập cụ thể các hành vi sẽ bị kỷ luật đảng ở các mức độ nào. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định trong công tác thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm. Từ thực tiễn đó, Quy định số 69-QĐ/TW được ban hành đã đánh dấu việc lần đầu tiên nội dung về xử lý kỷ luật đảng viên về việc chạy chức, chạy quyền được đề cập một cách rõ ràng với từng biểu hiện cụ thể, đảng viên vi phạm sẽ phải chịu mức kỷ luật tương ứng là khiển trách, cảnh cáo và khai trừ khỏi Đảng. Cụ thể tại Điều 30 quy định như sau:

Các trường hợp bị kỷ luật khiển trách

Khoản 1, Điều 30, Quyết định số 69-QĐ/TW quy định “đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách”:

- Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.

- Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân.

- Đặt điều kiện, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

- Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.

- Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân.

- Trì hoãn, không thực hiện hoặc chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Các trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức

- Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều 30 mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

- Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định.

- Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

- Thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này.

- Bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

- Tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.

Kỷ luật bằng hình thức khai trừ

- Khoản 3, Điều 30, Quyết định số 69-QĐ/TW quy định: “Kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Có thể nói, với vấn nạn chạy chức, chạy quyền, quy định lần này của Đảng là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội không thể “chui” vào hàng ngũ để có thể “luồn sâu, leo cao”.

Vì vậy, trong thời gian tới để đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, để Đảng ta “xứng đáng là đạo đức, là văn minh”, đưa Quy định số 69-QĐ/TW vào cuộc sống, các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của mỗi cấp ủy, người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng đối với sự sống còn của Đảng, của chế độ. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua hằng năm đối với cán bộ, đảng viên nói chung, đối với công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nói riêng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng: “Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê kíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh”.

Hai là, trong thực thi công tác cán bộ nói chung, công tác chuẩn bị nhân sự nói riêng, các cấp ủy phải thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Quy định số số 69-QÐ/TW Về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm” để kiên quyết loại trừ nạn “chạy chức, chạy quyền” đang gây bức xúc trong nhân dân, nhằm đấu tranh và từng bước loại trừ những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm như Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị”.

Ba là, phải tăng cường kiểm soát chặt quyền lực trong công tác cán bộ bằng thể chế, cơ chế. Xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế không chỉ tạo điều kiện, môi trường cho cá nhân tự giác tuân thủ pháp luật, nguyên tắc tổ chức, mà còn dựng lên một hành lang pháp lý để không ai có thể vượt qua. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy dân chủ rộng rãi, thực chất hơn. Mặt khác, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cần công khai quy hoạch, luân chuyển cho đến bổ nhiệm cán bộ, đảng viên. Có như vậy sẽ hạn chế lạm quyền, làm trái quy trình, quy định, mà người chạy cũng khó luồn lách.

Bốn là, cần đổi mới các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ để tiền lương thực sự trở thành thu nhập chính. Khi tiền lương được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, đảng viên được cải thiện, thì họ sẽ tận tậm, tận tụy với công việc, phục vụ Đảng, Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Năm là, tiếp tục đẩy nhanh việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương để hạn chế, khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, dòng họ, cục bộ địa phương. Trên cơ sở đó mở rộng áp dụng hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước để khắc phục cho được tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Sáu là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và của Nhân dân đối với việc giám sát đội ngũ cán bộ, đảng về đạo đức, lối sống; về năng lực và phương pháp công tác; tinh thần phấn đấu vươn lên về mọi mặt; đồng thời, phát huy vai trò tự giác nỗ lực rèn đức, luyện tài của mỗi cán bộ, đảng viên - coi đó là những kênh thông tin quan trọng trong đánh giá, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ để không chỉ xóa bỏ tệ nạn chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên mà còn nhằm khắc phục hữu hiệu tình trạng "thấy đỏ tưởng chín", “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”… trong công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự.

Với 58 điều quy định rất cụ thể, rõ ràng, có thể nói, Quy định số 69- QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XIII, một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi đảng viên cũng như tổ chức đảng và cũng để các cơ quan chức năng, người dân có công cụ để giám sát các hành vi vi phạm.

Những quy định mới, với tính răn đe mạnh mẽ, được kỳ vọng đóng vai trò như một chốt chặn, khiến cán bộ, đảng viên nhìn thấy mà chùn tay, không thể, không dám, không muốn vi phạm, vừa là “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên, dám nghĩ dám làm, biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết. Từ đó tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đưa đất nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội./. Hải Đăng

381 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1484
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1484
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85262605