Quy định số 41: Tiền đề quan trọng trong việc xây dựng “văn hóa từ chức”  

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là Quy định rất quan trọng thay thế cho Quy định 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009, Bộ Chính trị. Sau khi được ban hành, Quy định 41 nhận được sự đồng thuận, quan tâm, theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Có thể khẳng định rằng, với sự kế thừa và kết nối các quy định về công tác cán bộ, Quy định số 41 sẽ có sự chuyển biến tích cực trong quá trình tự nhận xét, tự phê bình đối với những cán bộ không đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ, qua đó tạo tiền đề quan trọng để việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, đảng viên thành "văn hóa" khi không còn đủ tín nhiệm của tổ chức và Nhân dân.

Vấn đề “miễn nhiệm” và “từ chức” không phải bây giời chúng ta mới bàn đến, mà những nội dung thường xuyên được cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất quan tâm và thường xuyên được đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ qua. Trong Quy định số 260-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành những căn cứ để xem xét cho cán bộ thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Tại những phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, vấn đề “văn hóa từ chức” cũng nhiều lần được đưa ra để làm rõ trách nhiệm, năng lực quản lý của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, vấn đề “văn hóa từ chức” được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra bàn bạc thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc “miễn nhiệm” và “từ chức”, vẫn chưa trở thành việc làm “bình thường”, nhất là “từ chức” vẫn chưa thể trở thành “văn hóa” và hầu như hiếm thấy xuất hiện, thậm chí là không có trong trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mỗi khi có những việc làm sai trái, đi ngược lại quyền và lợi ích của Đảng và Nhân dân.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đến nay, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp đã bị xử lý kỷ luật, hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật. Đảng ta đã xử lý kỷ luật hàng chục cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý, đặc biệt việc xử lý kỷ luật Đảng giờ đây không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”. Vì vậy, để kịp thời khắc phục những vướng mắc, cung cấp những căn cứ rõ ràng, phù hợp với thực tế và những chỉ đạo mới của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Theo đó, Quy định số 41 đã nêu rõ, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có 6 căn cứ miễn nhiệm và 4 căn cứ từ chức. 6 căn cứ miễn nhiệm là: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút; bị khiển trách 2 lần trong một nhiệm kỳ hoặc trong một thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; có 2 năm liên tiếp xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị kết luận suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm; bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị và bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. Đối với 4 căn cứ từ chức gồm có: Do hạn chế về năng lực, không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Đặc biệt, tại Quy định số 41 cũng đã đưa ra 3 căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, đó là: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Quy định này cũng nêu rõ quy trình, thời gian, cấp thẩm quyền xem xét miễn nhiệm hoặc cho cán bộ từ chức.

Như vậy, Quy đinh 41 ra đời có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực, quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như kiểm soát dịch Covid-19. Sẽ tạo tiền lệ tốt cho việc đề cao trách nhiệm, nêu gương, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức nếu không thực hiện được cam kết của mình.

Có thể thấy, qua 3 nhiệm kỳ XI, XII, XIII, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước. Quy định số 41 được ban hành, được xem làm bước đột phá để siết chặt những kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Triển khai thực hiện quy định trên, sẽ là cách xây dựng “văn hóa từ chức” ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tân Linh

 

1048 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1038
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1038
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157980