Quy chế gồm 04 Chương, 13 Điều quy định tổ chức và hoạt động đối với 17 hội quần chúng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh; Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Hội Nhà báo tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh; Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh; Hội Khuyến học tỉnh; Hội Người mù tỉnh; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; Hội Đông y tỉnh; Hội Y - Dược và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh; Hội Khoa học Lịch sử tỉnh) do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Về chức năng, nhiệm vụ của hội: Là tổ chức tự nguyện, tự quản, có chức năng, nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, đoàn kết, tập hợp quần chúng theo lĩnh vực, nghề nghiệp; đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, các tầng lớp nhân dân; xây dựng và phát triển tổ chức, phát triển hội viên; là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Về tổ chức hội: Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội, được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm một lần hoặc bất thường trong trường hợp cần thiết.
Thường trực hội (gồm chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách) là cơ quan điều hành công việc hằng ngày của hội. Số lượng phó chủ tịch: Hội có đảng đoàn được bố trí không quá 02 phó chủ tịch chuyên trách; hội không có đảng đoàn được bố trí 01 phó chủ tịch chuyên trách. Theo yêu cầu hoạt động, có thể bố trí một số phó chủ tịch không chuyên trách, số lượng do hội trình cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định. Về tiêu chuẩn, điều kiện: Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có năng lực lãnh đạo, quản lý; có uy tín và kinh nghiệm công tác; đối với các hội chuyên ngành cần có chuyên môn phù hợp. Đối với lãnh đạo hội là người đã hết tuổi lao động, nếu tiếp tục làm việc phải có đủ sức khoẻ, uy tín cao, được ban thường vụ, ban chấp hành đồng thuận, nhất trí giới thiệu. Về độ tuổi: Chủ tịch, phó chủ tịch hội là người đã hết tuổi lao động thì tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi. Đối với chủ tịch hội, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định. Đối với lãnh đạo hội trong độ tuổi lao động khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi tham gia lãnh đạo hội, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Về nhiệm kỳ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp; trường hợp đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định thì cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Về hoạt động của hội, quy chế quy định rõ: Được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của hội; thực hiện một số hoạt động chuyên môn, dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định. Tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, đề tài, dự án theo đề nghị của cơ quan nhà nước. Chủ trì hoặc tham gia đề tài, đề án liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội. Tổ chức một số hoạt động kinh tế; tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao; quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và một số cơ chế hợp tác theo quy định của pháp luật.
Quy chế yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo hoạt động hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; thành lập đảng đoàn đối với một số hội có đủ điều kiện. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hội và quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với hội; quyết định biên chế, kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách của hội gắn với nhiệm vụ được giao; thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và pháp nhân trực thuộc hội, xử lý nghiêm khi xảy ra sai phạm.
Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo cụ thể hoá, sắp xếp, giao nhiệm vụ cho các hội quần chúng thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp với điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn công tác nhân sự đối với hội; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hướng dẫn tổ chức, hoạt động và quản lý đảng viên trong đảng bộ, chi bộ ở hội. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thông báo kết luận số 524-TB/TU, ngày 07/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn, điều kiện đối với lãnh đạo hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành./. Hoàng Thanh Vũ