Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy 

Ngày 01/12/2023, Ban Bí thư ban hành Quy định số 137-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy (thay thế Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25/7/2018). Quy định có 4 chương, 15 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ gồm: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận, ban nội chính. Ngoài các cơ quan nêu trên, khi Bộ Chính trị quyết định thành lập thêm cơ quan khác, Ban Bí thư sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cho cơ quan đó. Theo quy định mới này, có một số nội dung mới đáng chú ý so với Quy định 04-QĐi/TW như sau:

Một là, về việc thực hiện mô hình văn phòng cấp uỷ phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh uỷ căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét, quyết định.

Hai là, về đầu mối bên trong (phòng và tương đương) của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy được thống nhất thành lập trên một số cơ sở như: chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; tối thiểu có 5 người mới thành lập một đầu mối, trường hợp chưa bố trí đủ biên chế thì ít nhất có 4 người mới được thành lập. Phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và không quá 02 phó trưởng phòng (thay vì được bố trí không quá 01 phó trưởng phòng như Quy định 04-QĐi/TW trước đây); có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 03 phó trưởng phòng (thay vì được bố trí không quá 02 phó trưởng phòng như Quy định 04-QĐi/TW trước đây).

Ba là, tổng số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy có không quá 18 người. Riêng các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An có không quá 21 người; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không quá 24 người. Số lượng cấp phó của các cơ quan do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quyết định nhưng không vượt quá số lượng nêu trên. Như vậy, đối với Nghệ An sẽ được tăng thêm tối đa là 6 người so với số lượng theo Quy định 04-QĐi/TW trước đây.

Bốn là, về cơ cấu tổ chức của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Bí thư thống nhất quy định tên gọi của từng phòng trong từng cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ, thành uỷ, cụ thể: Đối với văn phòng tỉnh uỷ, bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của văn phòng; có không quá 5 phòng: Tổng hợp; Quản trị; Tài chính đảng; Cơ yếu - Công nghệ thông tin; Hành chính, lưu trữ.

 Đối với cơ quan uỷ ban kiểm tra và các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ, bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức làm công tác nghiên cứu, tham mưu chiếm đa số và giảm tối đa số lượng người phục vụ. Trong đó: (1) Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ có không quá 4 phòng: Nghiệp vụ I, Nghiệp vụ II, Nghiệp vụ III, Văn phòng; (2) Ban tổ chức tỉnh uỷ có không quá 4 phòng: Tổ chức cán bộ, Tổ chức đảng - đảng viên, Bảo vệ chính trị nội bộ, Văn phòng; (3) Ban tuyên giáo tỉnh uỷ có không quá 5 phòng: Lý luận chính trị, lịch sử Đảng; Tuyên truyền, Báo chí - Xuất bản; Khoa giáo, Văn hoá - Văn nghệ; Thông tin - Tổng hợp; Văn phòng; (4) Ban dân vận tỉnh uỷ có không quá 3 phòng: Đoàn thể và các hội; Dân vận các cơ quan nhà nước - dân tộc và tôn giáo; Văn phòng; (5) Ban nội chính tỉnh uỷ có không quá 4 phòng: Theo dõi công tác nội chính và cải cách tư pháp; Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Theo dõi công tác xử lý đơn, thư, tiếp công dân; Văn phòng. Riêng đối với Thành uỷ Hà Nội và Thành uỷ TP Hồ Chí Minh được thành lập thêm tối đa không quá 01 phòng/1 cơ quan tham mưu, giúp việc thành uỷ so với số lượng phòng quy định nêu trên. Hải Yến

 

318 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1090
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1090
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87166061