Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định về chỉ định thầu.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí quy định tại Điều 23 dự thảo Luật nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, để tránh lạm dụng, cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
|
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: TH. |
“Cần xem xét kỹ, có nên đưa trường hợp này vào áp dụng chỉ định thầu hay không? Bởi lẽ, việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng là tương đối phổ biến, cũng không quá phức tạp và cũng không mang tính đặc thù để lựa chọn hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng hình thức đấu thầu là không cần thiết”, đại biểu đề xuất.
Mặt khác, đại biểu cũng chỉ ra thực tế, hạn mức đối với một số gói thầu được áp dụng chỉ định thầu đã được quy định từ năm 2014 và Điều 54 Nghị định 63 của Chính phủ, song hiện nay do sự phát triển của nền kinh tế, hạn mức này không còn phù hợp, nên cần thiết phải điều chỉnh nâng giá trị gói thầu cao hơn cho phù hợp.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nhận định, qua đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng, các quy định về quản lý đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự án luật nội dung khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế một số chủ đầu tư không dám chỉ định thầu, thà tổ chức đấu thầu mà thuận lợi, dễ dàng hơn.
“Nếu nhà thầu khi tổ chức chỉ định thầu, lúc chọn hồ sơ rất tốt, nhưng giữa chừng bị "suy dinh dưỡng" thì tất cả công trình không đạt được hiệu quả. Như vậy, quy trách nhiệm cho chủ đầu tư do doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, doanh nghiệp C thân quen với mình cho nên mình mới chỉ định, thực tế là rất khách quan nhưng quy định trách nhiệm”, đại biểu nói.
Vì vậy, theo đại biểu, trong việc chỉ định thầu cũng nên cân nhắc mở rộng thêm hình thức chỉ định thầu giảm giá, bởi có những trường hợp mang lại hiệu quả cao hơn.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (đoàn Long An) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TH. |
Dẫn chứng tại khoản 2 Điều 23 dự thảo luật quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện gói thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị nên quy định thời hạn dài hơn, cụ thể là 30 ngày vì thực tế khi hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu các gói thầu khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua với 15 ngày thì đối với các chủ đầu tư rất khó đảm bảo thời gian để hoàn chỉnh thủ tục.
Qua nghiên cứu, đại biểu Song An cho hay dự thảo luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, tuy nhiên theo đại biểu việc mở rộng này là chưa phù hợp, vì về lâu dài sẽ không tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tiêu cực.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ hơn các trường hợp và thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại Điều 23 của dự thảo luật, tránh việc áp dụng tùy tiện hoặc lách các quy định của pháp luật”, đại biểu kiến nghị.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các hành vi như là thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận và cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu, vì hiện nay các hành vi gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết, không xử lý được do chưa có quy định cụ thể…/.