Quy định 96 - điểm nhấn trong công tác lựa chọn cán bộ 

Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW “về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và người dân. Quy định mới đã chỉ rõ các nguyên tắc, đối tượng, tổ chức nơi lấy phiếu, cách thức, tiêu chí lấy phiếu, công khai, sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm… So với trước đây, quy định mới cụ thể, rõ ràng hơn, mạnh hơn cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Dư luận cho rằng, nếu Quy định số 96-QĐ/TW được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, người bỏ phiếu trung thực, khách quan thì lá phiếu sẽ là thước đo uy tín, năng lực của cán bộ các cấp.

Có thể khẳng định rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị là việc làm không mới trong tổ chức đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96 lần này gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng ta hiện nay. Quy định số 96-QĐ/TW có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI, đồng thời đã cập nhật bối cảnh mới, tình hình mới, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Đề cao trách nhiệm nêu gương

Một trong những điểm mới của Quy định số 96, đó là xem xét cả sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp người thân của cán bộ đã lợi dụng sức ảnh hưởng, vị trí của cán bộ lãnh đạo để trục lợi, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm uy tín của Đảng.

Đề cao trách nhiệm nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…

Tuy nhiên, ngoài việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, thì sự gương mẫu của những người thân là vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Có thể khẳng định rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề cập về vấn đề nêu gương đối với người thân của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các công tác công tác cán bộ. Cách đây 7 năm, trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TW khóa XI (2016) do Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký, đã chỉ ra khuyết điểm của một số ủy viên Trung ương còn chưa gương mẫu hoặc để vợ, con, người thân, cấp dưới lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Trong Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về 19 điều đảng viên không được làm, cũng đã đề cập tới việc cấm đảng viên để vợ, chồng, con, bố, mẹ anh chị ...và người khác lợi dụng, chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.

Đặc biệt, vấn đề nêu gương của người đứng đầu nói chung và vấn đề gương mẫu của vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhiều lần trong các cuộc họp, hội nghị của Đảng ta nhằm nhấn mạnh về tầm quan trọng của trong việc nêu gương của cán bộ, nhất là những cán bộ, lãnh đạo “càng cao thì càng phải gương mẫu”. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp người thân của cán bộ đã lợi dụng sức ảnh hưởng, vị trí của cán bộ lãnh đạo để trục lợi, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm uy tín của Đảng. Như vậy, ngoài việc nêu gương của người lãnh đạo, cán bộ đứng đầu thì sự gương mẫu của những người thân là vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến quá trình thăng tiến hay thụt lùi của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc nêu gương từ bản thân, vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp là yếu tố cơ bản để người cán bộ có thể an tâm, vững vàng trên con đường phụng sự Đảng, dân tộc và đất nước.

Đặt ra yêu cầu cao hơn với cán bộ lãnh đạo

Điểm mới quan trọng khác là quy định rõ và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo Quy định số 262 trước đây, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch; hoặc người có từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp trở lên sẽ xem xét cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhưng theo Quy định 96 người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, đến hết thời hạn bổ nhiệm. Đồng thời, Quy định 96 cũng khẳng định, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác cán bộ, trở thành thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây chứ không phải chỉ là một trong những “kênh thông tin tham khảo” cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ như Quy định 262.

Bộ Chính trị cũng nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần chống tham nhũng, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác.Đồng thời là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Mặt khác, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết.

Có thể thấy rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là một biện pháp giúp đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ có tác động tích cực, nhất là với những người tín nhiệm không cao sẽ phải suy nghĩ, nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc, từ đó ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu của cán bộ sẽ được thể hiện rõ ràng và nâng cao. Việc chuyển từ “kênh thông tin tham khảo” sang “sử dụng để đánh giá cán bộ”, kết quả lấy phiếu tín nhiệm trở thành cơ sở của công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, nên Quy định 96 sẽ tác động hiệu quả và có tính “răn đe” cao đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy, với Quy định 96 một lần nữa cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin, của nhân dân đối với Đảng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hải Đăng

 

578 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 745
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86997353