Quốc hội xem xét việc xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách 

(ĐCSVN) - Chiều 26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước các năm 2018 - 2020.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 và dự toán NSNN năm 2018-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo 2 nội dung: Về việc phân chia khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017; việc xử lý nghĩa vụ của  NSNN đối với quỹ bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Cụ thể, đối với việc phân chia khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ các quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, dự kiến năm 2018 có 32 địa phương phát sinh nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với tổng số khoảng 326,6 tỷ đồng.

Theo đó, đối với trường hợp giấy phép do cơ quan trung ương cấp thì phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương; trường hợp giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thì phân chia 100% cho ngân sách địa phương (các Nghị quyết này thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2018).

Tuy nhiên, do Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2017, nên trong 4 tháng cuối năm 2017, đã có phát sinh số thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 50 tỷ đồng ở 14 địa phương, hiện chưa có hướng dẫn về việc phân chia nguồn thu này trong năm 2017.

Đối với việc xử lý nghĩa vụ của NSNN đối với quỹ bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc để đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995 đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổng số nợ là 22.090 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự toán NSNN chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng

Thảo luận tại Hội trường, đề cập đến khoản tiền bảo hiểm xã hội mà Chính phủ chuyển về quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng lấy lý do vì Nhà nước bảo toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội không bị phá sản nên chỉ chuyển phần gốc mà không chuyển phần lãi, theo đại biểu như vậy là không thuyết phục. Theo đại biểu, Chính phủ ít nhất phải tính lãi từ năm 2006 tức là từ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực, đồng thời tán thành phương án tính lãi theo phương án lãi gộp.

Đại biểu hoàn toàn tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là chúng ta không gây sức ép cho trần nợ công của Chính phủ, nhưng không thể thoái thác được nghĩa vụ của Nhà nước đối với người lao động; đồng thời đề nghị phải tính cả gốc, cả lãi, tính từ 2006 đến nay. Tán thành phương án chuyển dần 22.090 tỷ đồng theo lộ trình 6.000, 7.000 và 9.000 tỷ đồng theo phương án của Chính phủ.

Đồng tình với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hoá) cho rằng Chính phủ cần phải trả cả nợ gốc và cả lãi từ ngày 1/1/1995. Đại biểu cho rằng UBTVQH đã quyết định không đòi nợ này vì chúng ta đang khó khăn về ngân sách nên chúng ta tính lãi từ ngày 01/01/2016 là hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết 1083; và đồng tình với phương án trình của Bộ Tài chính, Chính phủ trình như thế là hoàn toàn chính xác và đảm bảo được nguyên tắc và đúng theo quy định của Nghị quyết 1083 do Quốc hội quyết định. Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản nợ nêu trên, trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng. Đồng thời, tính lãi đối với khoản nợ này từ ngày 01/01/2016.

Về phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (tỉnh Bình Định) cho hay, năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 203 quy định phương thức nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, sau đó năm 2017 thay thế bằng Nghị định 82 quy định phương pháp và mức tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước mà chưa có quy định phân chia khoản thu này. Như vậy năm 2013-2016 có hay không khoảng trống đối với nguồn thu này, nếu không phát sinh nguồn thu do yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, vốn ngày càng hạn hẹp thì rất quý. Song thực tế có như vậy không? Đại biểu đề nghị cần làm rõ, và cho rằng đây là sự chậm trễ đáng tiếc cần giải trình rõ trách nhiệm, không chỉ là xử lý tình huống./.

Mỹ Anh

388 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 442
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 442
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84215523