Trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.319.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.
Trong đó, ngân sách địa phương (NSĐP) tăng thu 78.099.136 triệu đồng, ngân sách trung ương (NSTW) tăng thu (gồm cả tăng thu từ nguồn viện trợ) 34.362.921 triệu đồng, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội tháng 5.2019 để phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2018.
Dự toán chi NSNN 1.523.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.435.435.263 triệu đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764.737 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán, hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Quyết toán chi NSTW là 572.609.766 triệu đồng, thấp hơn 4,8% so với dự toán. Quyết toán chi NSĐP là 862.825.497 triệu đồng, thấp hơn 6,4% với dự toán.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó, chấp thuận phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018 cho 33 bộ, cơ quan trung ương với tổng số 5.370.580 triệu đồng. Số phân bổ từng bộ, cơ quan trung ương theo số các bộ, cơ quan trung ương đã thực nhận viện trợ từ nhà tài trợ và đã thực sử dụng theo cam kết với nhà tài trợ và cho phép quyết toán vào NSNN năm 2018.
Để đảm bảo điều kiện quyết toán theo quy định, trình Quốc hội điều chỉnh giảm 1.991.061 triệu đồng dự toán chi thường xuyên trong số Quốc hội đã phân bổ cho Bộ Tài chính, gồm: Tổng cục Thuế 1.419.067 triệu đồng, Tổng cục Hải quan 571.994 triệu đồng; tăng dự toán chi đầu tư tương ứng số đã dùng nguồn thường xuyên để chi đầu tư cơ sở vật chất cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và cho phép quyết toán vào NSNN năm 2018.
Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2018, đó là tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư NSĐP năm 2017 và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN). Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019). Bội chi NSNN 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 157.886.227 triệu đồng).
Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước tiếp tục tiến triển tích cực nhưng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Tăng trưởng thương mại toàn cầu sụt giảm so với dự báo do những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Lạm phát toàn cầu những tháng đầu năm có xu hướng tăng cao do giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu thô bình quân tăng mạnh. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tích cực của năm 2017, nền kinh tế nước ta cũng đối mặt những khó khăn như tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tác động đến giá lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát; căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cùng với xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tác động đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, năm 2018, Chính phủ đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành thắng lợi trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP đạt 7,08% (kế hoạch tăng 6,5-6,7%) và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây; tất cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thị trường, tỷ giá, lãi suất ổn định, lạm phát được kiểm soát . Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 đã hoàn thành dự toán được Quốc hội quyết định, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Về trình tự, thủ tục quyết toán NSNN năm 2018, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 của Chính phủ trình đã cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quyết toán NSNN, quyết toán NSNN được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn và quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan trung ương đã được Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương duyệt, cơ quan tài chính thẩm định.
Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 đã được đối chiếu, xác nhận của Kho bạc Nhà nước và đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong điều kiện phải tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt phòng, chống đại dịch COVID-19.
Về thu NSNN, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán. Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, thu NSNN đạt được kết quả tích cực như trên thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Về chi NSNN, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, trong năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.
Nguyễn Hoàng