Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)
Trong bài thuyết trình mới đây với các đại biểu Quốc hội về những thách thức của nền kinh tế nước ta và động lực mới của TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, Tiến sỹ đã coi khoa học công nghệ là nút thắt thứ tư ngoài ba nút thắt chính luôn đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng là thể chế, giáo dục và hạ tầng và nếu chúng ta không giải được nút thắt này, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước láng giềng là hoàn toàn hiện hữu.
Kể từ khi có Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị (khoá VI) ngày 30/3/1991 về khoa học công nghệ trong sự nghiệp đổi mới yêu cầu mức đầu tư cho khoa học và công nghệ tối thiểu phải đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước, được nhắc lại tại Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 24/12/1996 của Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000, trong quá trình thẩm tra, thảo luận và thông qua dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, Quốc hội luôn chú ý đến các cơ chế, chính sách tài chính cho khoa học công nghệ.
Trong nhiều năm trở lại đây, chi từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ luôn ở mức khoảng 2% tổng chi ngân sách và với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao, quy mô của NSNN cũng tăng nên giá trị tuyệt đối đầu tư cho khoa học công nghệ được bố trí tăng hàng năm. Đó là chưa kể các nguồn lực tài chính của xã hội dành cho phát triển khoa học công nghệ cũng tăng lên đáng kể do nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước.
Nguồn lực tài chính công bao phủ hầu hết các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, từ việc đảm bảo kinh phí hoạt động cho các tổ chức khoa học công nghệ, đảm bảo nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, tới các hoạt động phát triển doanh nghiệp và thị trường khoa học công nghệ. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao, quy mô của ngân sách nhà nước cũng tăng nên giá trị tuyệt đối đầu tư cho khoa học công nghệ được bố trí tăng hàng năm. Đó là chưa kể các nguồn lực tài chính của khu vực doanh nghiệp, các quỹ ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ theo quy định của pháp luật.
Quốc hội đã thể hiện vai trò hoạch định chính sách tài chính cho khoa học công nghệ trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong hoạt động lập pháp, nhiều luật liên quan đến phát triển khoa học công nghệ đã được ban hành. Nhiều chính sách tài chính dành cho khoa học công nghệ trong các luật chuyên ngành khoa học công nghệ, các luật thuế, đầu tư, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,... đã được Quốc hội thông qua.
Từ một nền kinh tế dựa vào đầu tư chuyển sang nền kinh tế dựa vào khởi nghiệp sáng tạo, tất yếu phải có những thay đổi cơ bản về cách nghĩ, cách làm, nếu không phải là tất cả, và trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, thể chế và chính sách. Chúng ta đã từng lỡ nhịp với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây do nhiều lý do và nay thì không thể bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vì đó là cơ hội duy nhất để tránh tụt hậu xa hơn, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì thế, Quốc hội nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của đất nước và Quốc hội cần thể hiện vai trò chủ động trong việc thay đổi mạnh mẽ chính sách đảm bảo các nguồn lực cho khoa học công nghệ.
Do đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để cải thiện chất lượng tăng trưởng, không tụt hậu về công nghệ, thiết nghĩ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính của toàn xã hội cho phát triển khoa học công nghệ. Riêng từ ngân sách nhà nước, trước mắt đảm bảo cân đối đủ 2% tổng chi NSNN theo cơ cấu, tiêu chí, định mức theo yêu cầu của hoạt động khoa học công nghệ gắn với cơ cấu lại các tổ chức khoa học công nghệ. Việc phân bổ phải dựa trên tiêu chí hiệu quả, tránh dàn trải, tập trung cho các đầu tàu khoa học công nghệ tại các đô thị lớn của cả nước, cho các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, cho các chương trình, sản phẩm có thể tạo ra sự phát triển đột phá trong tăng trưởng, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp đó, cần nghiên cứu tăng dần chi từ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Có thể nghiên cứu ưu tiên sử dụng nguồn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho khoa học công nghệ bên cạnh việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước. Có thể ban hành nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài chính cho khoa học công nghệ trong bối cảnh mới, luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách tăng cường huy động các nguồn lực xã hội thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp hay đối tác công - tư, hỗ trợ qua chính sách thuế, tín dụng nhà nước có hỗ trợ một phần lãi suất, thực hiện cơ chế đặt hàng của nhà nước trên cơ sở chi phí - hiệu quả trong chi đầu tư cho khoa học công nghệ.
Tại Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tháng 7 vừa qua, một diễn giả đã khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đồng tiền phục vụ cho nền kinh tế một cách tốt nhất khi nó được trao vào tay người cần nó nhất. Đó là trao cho khoa học công nghệ./.
TS Trần Văn (ĐBQH khóa XII, XIII)