Ngay trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra”.
Trên tinh thần ấy, Kỳ họp vừa qua tiếp tục có những bước đổi mới trên tất cả các mặt về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ở kỳ họp này, một trong những thay đổi lớn nhất là thay vì kéo dài 1 tháng như thường lệ, Kỳ họp thứ 5 chỉ diễn ra trong 21 ngày, từ ngày 21/5 đến 15/6. Dù diễn ra trong thời gian ngắn, Quốc hội vẫn giải quyết được khối lượng công việc lớn, với chất lượng cao từ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề lớn của đất nước cho đến những vấn đề kinh tế- xã hội sát với cuộc sống người dân.
Như thông lệ, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với việc xem xét, thông qua 7 dự án luật, các dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Đây là những dự án, dự thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương và Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; cải cách tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí …
Theo quan niệm thông thường, nhiệm vụ này vốn được xem là khô khan và cứng nhắc thì lần này tiếp tục được thổi luồng gió mới khi Quốc hội đổi mới mạnh mẽ cách thức thảo luận ở hội trường. Trong những ngày Quốc hội thảo luận về các dự án luật, các Bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình các dự án luật đã tham gia giải trình trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Với trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước, mọi vấn đề quốc kế dân sinh đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến sát với thực tiễn.
Đặc biệt, trong công tác lập pháp lần này, cần nhắc đến việc theo dự kiến, Kỳ họp này sẽ thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Song trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sáng 11/6, với 85,63% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp thứ Sáu (tháng 10/2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Đây là việc làm kịp thời, thể hiện trách nhiệm, sự lắng nghe chân tình của Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước, thể hiện sự dân chủ và tăng thêm niềm tin của nhân dân với lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Cũng như nhiều kỳ họp trước, chất vấn và trả lời chất vấn vẫn là nội dung để lại dấu ấn sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất. Quốc hội đã chọn “trúng và đúng” những nội dung "nóng" không chỉ được các đại biểu Quốc hội quan tâm mà còn được cử tri và nhân dân cả nước mong đợi, đó là: Giao thông, vận tải; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo.
Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, Kỳ họp này tiếp tục có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri, đồng bào cả nước đã được chứng kiến một Kỳ chất vấn với một cách thức tiến hành hoàn toàn mới. Theo đó, mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng cho mỗi đại biểu là 1 câu hỏi trong 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa là 3 phút để trả lời cho mỗi một câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.
Sau các phiên chất vấn, con số thống kê được là có hơn 250 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận.
Nhìn lại phiên chất vấn với cách thức mới, thấy được rõ ngay cái lợi là đại biểu ý thức được vấn đề gì là trọng tâm, không còn hỏi những câu hỏi dài lê thê, mãi không vào nội dung hỏi, không đúng vai. Với việc chỉ được dành 1 phút quý giá tại hội trường Quốc hội, các đại biểu đã chuẩn bị thật kỹ nội dung chất vấn để hỏi đúng và trúng vấn đề.
Với ba phút hồi đáp, bắt buộc các tư lệnh ngành phải nghiên cứu rất thấu đáo về lĩnh vực mình phụ trách, để khi đại biểu hỏi sẽ trả lời được ngay. Trước đây, nhiều trường hợp bị đánh giá trả lời lòng vòng, chưa đúng trọng tâm, trình bày quá nhiều thì đã được khắc phục từ sự đổi mới tại kỳ họp này.
Không phải chỉ 4 Bộ trưởng được lựa chọn mới phải “đối mặt” với các câu hỏi mà đại biểu nêu, mà có rất nhiều vị Bộ trưởng khác phải phối hợp cùng trả lời. Đặc biệt, còn có sự tham gia của các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực.
Nhận xét về 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá: Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, tích cực tranh luận để làm rõ thêm về nội dung chất vấn.
Các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nắm chắc tình hình, thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.
Đáng chú ý, nhìn vào phiên chất vấn, cử tri đã thấy rõ hơn quyết tâm trong thực hiện phương châm của Chính phủ năm 2018 đã được gói gọn trong 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
Cuối cùng, thực hiện đúng nguyên tắc làm việc công khai của Quốc hội, tại Kỳ họp này, nhiều nội dung được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp).
Việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và Nhân dân quan tâm đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp Nhân dân.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hẳn sẽ còn nhiều điều cử tri chưa thật sự thỏa mãn, chưa thật an tâm; vẫn còn những nỗi lo về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và ngay cả bản thân một số đại biểu cũng còn những băn khoăn, trăn trở. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt yêu cầu như mong đợi...
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã chính thức khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ tại Kỳ họp này.
Diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thành công tốt đẹp, Kỳ họp đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong thời gian qua./.
Tú Giang