Đây là lần đầu tiên, Quốc hội phá lệ, thảo luận đến 18h30 (kéo dài thêm 1 giờ 30 phút). Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: ĐT
Báo cáo của Chính phủ được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày trước Quốc hội sáng 22/5 nêu rõ, tổng hợp kết quả cả năm, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 02 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch. So với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2016, có 07 chỉ tiêu đạt cao hơn và 02 chỉ tiêu thấp hơn.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2017 so với tháng 12 năm 2016 tăng 0,9%; đã tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại. Tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm.
Xuất khẩu tăng 16,8%, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông sản tăng mạnh. Tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32,7% dự toán cả năm (tăng 17,8%).
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2017 tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm nỗ lực và đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ, nhiều mặt có chuyển biến tích cực, đồng thời nhất trí với báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp với nhiều kết quả, chỉ số phát triển khả quan và điểm sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ một số vấn đề về nâng cao chất lượng và giá trị của hàng nông sản. Vì thực tế vừa qua, điệp khúc được mùa mất giá tiếp tục lặp lại, các biện pháp tình thế giải cứu nông sản không làm yên lòng người dân. Đa số nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát trong khi chế biến sau thu hoạch lại hạn chế, chủ yếu lấy công làm lãi.
Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) đề nghị, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị, tạo chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đây là khâu quan trọng để giải quyết bài toán giá trị hàng nông sản. Đồng thời xây dựng khung chính sách rõ ràng dựa trên liên kết 4 nhà, quy hoạch vùng nguyên liệu đủ để thu hút công nghiệp chế biến các loại nông sản.
Bên cạnh đó, tình trạng nhũng nhiễu, tắc trách của một bộ phận cán bộ, công chức đang là rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp cũng là vấn đề được một số đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) kiến nghị, Chính phủ tiếp tục có chính sách tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời đề xuất giải pháp thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đại biểu Tuấn Anh, hiện nay doanh nghiệp vẫn còn bị phiền hà, sách nhiễu, tắc trách vì phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Đại biểu cho biết, một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Bình Phước bị đóng cửa 3 tháng chỉ vì tự ý thay đổi dây truyền xử lý chất thải hiện đại hơn... Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường,... do đó đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để trách tình trạng cán bộ cơ sở sách nhiễu doanh nghiệp. Đồng thời có giải pháp căn cơ để tránh tình trạng "giải cứu" nông sản.
Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, xác định tiêu chuẩn công nghệ phù hợp, kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả dự báo thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư...
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9/6. Ảnh: ĐT
Góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phân tích và làm rõ thêm vấn đề khiếu nại tố cáo và những vụ việc khiếu nại đông người kéo dài do đây là một thách thức lớn của tình hình phát triển kinh tế nói chung và được cử tri quan tâm.
Nhấn mạnh việc khiếu kiện đông người đang diễn ra hết sức phức tạp, một số vụ việc khiếu kiện kéo dài chưa có dấu hiệu giảm, có yếu tố manh động, có bàn tay hỗ trợ rất tinh vi từ bên ngoài, nhiều vụ việc người dân bị lôi kéo vào các vụ việc khiếu kiện đông người mà không có mục đích và lý do chính đáng, đại biểu Hiểu đã chỉ rõ nguyên nhân của tình hình trên là do việc thực thi công vụ của 1 bộ phận cán bộ, công chức không đúng, không đầy đủ và thiếu thuyết phục, công khai minh bạch.
Cùng với đó, nhận thức của nhiều người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương về giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc còn chưa đúng. Nhiều địa phương, bộ ngành còn chưa thực hiện Luật Tiếp công dân. Đại biểu dẫn chứng: có cử tri phản ánh 6 tháng liền mà Chủ tịch UBND cấp huyện không tổ chức tiếp công dân theo quy định. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, công tác thẩm tra hồ sơ còn sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, dẫn tới kết luận không thuyết phục cho người dân. Hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn long vòng thiếu thống nhất, xử lý sai pham còn chưa nghiêm.
Đề xuất giải pháp thời gian tới, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh đến giải nâng cao hơn nữa nhận thức của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở về tiếp công dân và giải quyết khiếu kiện tố cáo; chấn chỉnh lại tiếp công dân và phải bố trí cán bộ có năng lực để bảo đảm công tác này; xác định rõ quyền và trách nhiệm của cấp xã, huyện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và cần có quy định chế tài xử phạt đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong tiếp thu và xử lý khiếu kiện, tố cáo; duy trì đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo chính quyền với công dân, qua đó sớm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân trước những bức xúc mà người dân đang gặp phải; tập trung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về đất đai, tiếp công dân và khiếu nại tố cáo cũng như hệ thống pháp luật trong tố tụng, khiếu nại…theo hướng chuyển dần các vụ việc có thẩm quyền cho tòa án, bởi tòa án là biểu tượng cho công bằng và có bộ máy chuyên nghiệp giải quyết; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng, kích động, lôi kéo nhân dân...
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) góp ý giải pháp phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, nhu cầu máy móc thiết bị khá lớn với con số dự báo xấp xỉ khoảng 250 tỷ USD giai đoạn 2011-2025. Các doanh nghiệp (DN) chế tạo thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, hoạt động phân tán, thiếu các cơ sở có máy móc thiết bị chế tạo quy mô lớn, thiếu nhân lực.
Về công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Tiến cho rằng tác động từ DN FDI đối với công nghiệp hỗ trợ chưa rõ nét. Cả nước có gần 1.200 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ so với gần 500.000 DN. Nguyên liệu, máy móc đều phải nhập khẩu., giá trị gia tăng thấp.
Vì vậy, cần đánh giá nghiêm túc sự suy giảm của ngành cơ khí chế tạo để có giải pháp hiệu quả, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thí điểm các DN tiên phong, thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, sản phẩm trọng điểm.
Đại biểu cho biết, cử tri bất an nhiều vấn đề và đặt câu hỏi tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, trong khi đó vai trò trọng tâm của Chính phủ là kiến tạo, chính quyền cơ sở là liêm chính, hành động; cử tri cũng bất an vấn đề thương mại hóa các quan hệ xã hội, đồng tiền chi phối nhiều quan hệ; vấn đề quản lý tài nguyên cơ bản của quốc gia (đất, rừng, nguồn nước); bất an về an toàn sống (an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự)...
Ngoài các nội dung thảo luận trên, các đại biểu cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và dân di cư tự do; đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn các tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời có giải pháp để giảm thiểu rủi ro, ứng phó lâu dài…/.
Đỗ Thoa