Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát sửa đổi một số nội dung dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn như: Về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội; Về giáo dục quốc phòng an ninh; Phạm vi điều chỉnh Luật…
Về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội, dự thảo Luật quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng.
Góp ý nội dung trên đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. Quân đội làm kinh tế góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ.
Cũng theo đại biểu Hoàng, quân đội làm kinh tế chính là phải gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội. “Theo đề án được Chính phủ phê duyệt, thời gian tới quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp”, đại biểu Hoàng cho biết.
Đồng ý với quan điểm quân đội tham gia làm kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích: Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết Đại hội Đảng 12 khẳng định, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá xã hội với quốc phòng an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa xã hội. Trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp năm 2013 cũng đề cập tới kết hợp quốc phòng an ninh và kinh tế. Về thực tiễn, kinh tế và quốc phòng có quan hệ chặt chẽ biện chứng.
"Chính vì vậy, quân đội làm kinh tế là làm mạnh thêm cho quân đội, an ninh, tốt hơn cho xã hội, nhân dân, xã hội đánh giá cao hoạt động kinh tế của quân đội" - đại biểu cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu Trí đề nghị, quân đội phải rạch ròi những nội dung, phạm vi hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng và nội dung phạm vi hoạt động làm kinh tế đơn thuần, không sử dụng đất đai sai mục đích. Trong các hoạt động làm kinh tế thì phải chấp hành luật pháp liên quan như đất đai, thương mại, cạnh tranh bình đẳng như doanh nghiệp khác. Hoạt động kinh tế của quân đội ưu tiên đúng nội dung, gắn với lợi thế của quân đội, gắn liền quốc phòng an ninh.
Về giáo dục quốc phòng an ninh, theo đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), việc giáo dục lịch sử, lòng yêu nước, tri thức quốc phòng, an ninh, giáo dục về chiến tranh cho các đối tượng như quy định dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng là học sinh tiểu học, nhất là các cháu học sinh lớp 1 đã phải học môn chính khóa này, đại biểu Phòng cho rằng là quá sớm, bởi các cháu còn quá nhỏ để hiểu biết về quốc phòng và an ninh. Mặc dù những kiến thức với các cháu chưa yêu cầu cao, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định giáo dục quốc phòng an ninh cho các cháu học sinh tiểu học.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đánh giá tác động một số chính sách như: về phòng thủ quân khu, thiết quân luật, giới nghiêm... nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Quốc phòng.
Đại biểu Phòng cũng đề nghị, ban soạn thảo cân nhắc quy định về tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong dự thảo Luật vì quy định như vậy có sự trùng lặp khái niệm tình trạng chiến tranh và trạng thái khẩn cấp về an ninh, quốc phòng? Đại biểu kiến nghị cân nhắc quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, đảm bảo sự thống nhất của luật vì Hiến pháp 2013 chỉ quy định tình trạng khẩn cấp chứ không quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. “Qua nghiên cứu, Luật Quốc phòng của Liên bang Nga cũng không quy định tình trạng khẩn cấp hay tình trạng khẩn cấp quốc phòng, không tách riêng tình trạng khẩn cấp về quốc phòng mà chỉ quy định chung về tình trạng khẩn cấp”, đại biểu cho hay.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cũng đề nghị thống nhất quan điểm sửa đổi Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản, những nguyên tắc chung về quốc phòng, còn những nội dung đã được các luật về lĩnh vực quốc phòng điều chỉnh hoặc dự kiến sẽ nâng thành luật thì không quy định quá cụ thể để tránh chồng chéo./.
Bích Liên