Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 

(Chinhphu.vn) - Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 9/6, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: VGP

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 8, các phiên họp 42 và 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, tập trung vào các nội dung: Tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội (ĐBQH); việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của UBTVQH trong Luật; đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng Dân tộc và từng ủy ban; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, khoản 2 Điều 23 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Việc quy định ngay trong Luật tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự thảo Luật giữ cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội như Luật hiện hành và quy định cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.

Theo quy định tại dự thảo Luật, kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí của bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm.

Hầu hết ý kiến ĐBQH phát biểu đều đánh giá cao việc Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận về dự luật tại đợt họp tập trung của Kỳ họp này dù trước đó dự luật đã được thảo luận trực tuyến. Điều này thể hiện sự thận trọng lắng nghe đầy đủ ý kiến của các ĐBQH đối với dự luật hết sức quan trọng này. Việc bố trí thêm thời gian, Quốc hội sẽ thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề đang được đặt ra trong thực tiễn tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, tiêu chuẩn ĐBQH...

Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này sẽ là nền tảng thể chế quan trọng, tạo điều kiện cho Quốc hội các nhiệm kỳ sau tiếp tục phát huy mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Ảnh: VGP

Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, có ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay nhưng có nhiều ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa cho phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định trong dự thảo Luật tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách. Từ đó, tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức bầu cử ĐBQH khóa tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu đề xuất và thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo đảm bầu và bố trí đủ số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách như quy định của Luật.

Nhất trí với việc nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách từ 35% lên ít nhất 40% như dự thảo Luật, Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhận định, đây là nội dung đổi mới cần thiết để các ĐBQH có điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời cho rằng, các hoạt động của đại biểu chuyên trách là vô cùng quan trọng, là trụ cột cho các hoạt động của Quốc hội; đề nghị, cần triển khai ngay quy định này trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Đánh giá rất cao việc dự luật tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, tuy nhiên cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cần tăng đại biểu chuyên trách cho các địa phương; mỗi địa phương nên có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách, trong đó 1 đại biểu là lãnh đạo Đoàn ĐBQH và 1 đại biểu chuyên trách. Điều này sẽ bảo đảm tính kế thừa, tính liên tục trong công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử ĐBQH ở địa phương và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ.

Nguyễn Hoàng

260 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 572
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 572
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78092136