Quốc hội thảo luận Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) 

(Chinhphu.vn) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Trước đó, thảo luận Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình. Đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 chương và 121 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Tại phiên thảo luận lần này, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) và một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật được xây dựng cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu, khắc phục được những hạn chế của Luật Cạnh tranh hiện hành, bảo đảm điều tiết các quan hệ trong hoạt động cạnh tranh. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, làm rõ hơn tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, đó là điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật đã quy định Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương, có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh Việt Nam sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, Diễn đàn Cạnh tranh quốc tế (ICN) và các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các cơ quan cạnh tranh.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) và một số đại biểu tán thành quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh.

Một số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị thêm cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn Điều 52 về  “Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh” là do ai thành lập?

Liên quan đến quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh tại Điều 85, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời làm rõ hơn nữa địa vị pháp lý Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

Còn đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần có có cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực của Ủy ban này; tránh việc giao quá nhiều quyền lực dễ làm nảy sinh cơ chế xin-cho, tiêu cực…

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về cạnh tranh (Điều 6), có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 6 chưa làm rõ chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, đề nghị cần quy định chính sách cụ thể và biện pháp thực hiện để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển kinh tế thị trường.

Về quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Điều 114), đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) và một số ý kiến đề nghị cần rà soát lại các khoản của Điều này, bảo đảm tính thống nhất với các quy định liên quan đến mức phạt tiền ở Bộ luật Hình sự./.

Nguyễn Hoàng

314 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1021
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1021
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76685142