Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù phát triển TPHCM 

(Chinhphu.vn) – Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 20/11, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM.

Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Nghị quyết được xây dựng trên nguyên tắc và quan điểm là: Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM và việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền TPHCM. Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để bảo đảm việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể.

Cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TPHCM phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại. Đồng thời, phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của Thành phố.

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương là 82%. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực. Vì vậy việc xây dựng và ban hành Nghị quyết là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu quan điểm, TPHCM là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, có thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Những chính sách hiện hành cho TPHCM đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm không tạo điều kiện cho Thành phố phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển.

Do đó, các cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố là yêu cầu mang tính khách quan. Quốc hội đang xem xét cơ chế chính sách đặc thù cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì đối với TPHCM phải được xem là đặc thù của đặc thù. Có cơ chế chính sách đặc thù thì mới tạo điều kiện cho TPHCM phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của sự năng động, chủ động sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của cả nước chung của cả nước.

Một trong những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm đó là thí điểm về thẩm quyền quyết định đất đai của HĐND. Các đại biểu đồng tình với việc thí điểm phân cấp cho HĐND trong việc quyết định chuyển mục đích sử dụng chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ ủng hộ với chủ trương này. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cần quy định mức giới hạn tối đa diện tích đất trồng lúa được chuyển mục đích sử dụng.

Đồng tình với quy định phân cấp cho HĐND TPHCM trong việc quyết định chuyển đổi mục đích lúa, song đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng đề nghị nên mở rộng thẩm quyền này đối với cả đất nông nghiệp và sau khi thí điểm thì nên mở rộng với cả đất rừng và đất nuôi trồng thủy sản thì sẽ hiệu quả hơn.  

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc quy định thí điểm tăng mức thuế, thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành. Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc thí điểm này nhưng cũng đề nghị cân nhắc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc thuế. Đồng thời, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường.

Bày tỏ thống nhất với việc tăng thuế suất và thí điểm thu thuế tài sản sau đó tổng kết nhân rộng, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, không nên tăng tất cả các loại thuế vì nếu tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế trước mắt nhưng không mang lại tính hiệu quả lâu dài.

Đồng tình với việc tăng một số chính sách thuế, tuy nhiên để bảo đảm ổn định, không gây ra những xáo trộn lớn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, cần cân nhắc, đánh giá tác động khi tăng chính sách thuế. Đồng thời, cần phải có quy định rõ, tăng ở mức độ nào? Bởi nếu tăng thuế tràn lan sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư vào Thành phố, nhất là khuyến khích phát triển chủ trương khởi nghiệp.

Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đa số các đại biểu nhất trí chính sách cơ chế tài chính cho Thành phố. Tuy nhiên còn băn khoăn về chính sách thuế, điều chỉnh thuế suất hiện hành. Cũng theo Bộ trưởng, các băn khoăn này là xác đáng, khi đề xuất chính sách này, Thành phố và Chính phủ đã lường trước những vấn đề nảy sinh. Mặt khác, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa cả nước.

Mặt khác, việc ban hành Nghị quyết không có nghĩa thành phố thực hiện tăng thuế ngay mà phải xây dựng đề án cụ thể như là tăng ở thuế suất nào, tăng mức nào, đối tượng chịu thuế? Đặc biệt, có đánh giá tác động đầy đủ đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân, các tác động xã hội khác để báo cáo HĐND Thành phố, báo cáo Chính phủ để trình với UBTVQH hoặc Quốc hội nếu cần thiết để xem xét, quyết định, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Trong báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban này cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết như về quản lý đất đai (Điều 3), Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, theo đó giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định trong Nghị quyết nguyên tắc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa phải theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hoặc về phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục của Luật Phí và lệ phí, Ủy ban cho rằng, để bảo đảm cơ chế chính sách vượt trội cho Thành phố, đề nghị quy định trong Nghị quyết này phân cấp theo hướng giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định thí điểm đối với các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí và quyết định điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu so với mức thu theo quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Về việc cho phép HĐND Thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý (khoản 3 Điều 6), để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, Ủy ban đề nghị: Đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc và quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước. Như vậy, vẫn bảo đảm được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn bảo đảm được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước.

Đồng thời, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng đề nghị TPHCM chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế phù hợp với đặc điểm của Thành phố và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nguyễn Hoàng

643 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1165
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1165
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153364