Tại Edinburgh, cơ quan lập pháp Scotland đã bỏ phiếu với tỷ lệ 69 phiếu thuận và 59 phiếu chống, cho phép Thủ hiến Nicola Sturgeon chính thức tìm kiếm sự chấp thuận từ Quốc hội Anh tại London về cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Trước đó, năm 2014, 55% cử tri Scotland đã bỏ phiếu phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập. Dù vậy, bà Sturgeon cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đã thay đổi tình thế và người Scotland không nên bị “lôi kéo” rời Liên hiệp châu Âu (EU) trái với nguyện vọng của họ.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 28-3 vừa qua, bà Sturgeon cho biết sẽ không thảo luận với London về cuộc trưng cầu dân ý mới cho đến khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon đã được kích hoạt.
Bà Sturgeon từng phát biểu trước Quốc hội Scotland rằng, người dân Scotland nên có quyền được lựa chọn Brexit hay trở thành một quốc gia độc lập. Theo Thủ hiến Scotland, thỏa thuận Brexit trong tương lai sẽ trở nên rõ ràng hơn trong khoảng thời gian từ mùa thu năm 2018 đến mùa xuân năm 2019 và cho đến lúc đó bà cũng sẽ thúc đẩy một kế hoạch chi tiết về yêu cầu của một nền độc lập.
Chính phủ Anh ngay lập tức tuyên bố sẽ từ chối đàm phán về lời đề nghị của bà Sturgeon. “Sẽ không công bằng đối với người dân Scotland khi yêu cầu họ đưa ra quyết định vô cùng quan trọng mà không có thông tin cần thiết về mối quan hệ trong tương lai của chúng ta với châu Âu cũng như một Scotland độc lập sẽ ra sao”, Chính phủ Anh cho biết trong một thông cáo.
Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, lúc này không phải thời điểm để tổ chức cuộc bỏ phiếu mới về nền độc lập của Scotland, đồng thời khẳng định bà đang tập trung đạt được thỏa thuận Brexit tốt nhất có thể cho toàn thể nước Anh.