Thừa ủy của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 2667/TB-TTKQH ngày 19/3/2019, Chính phủ đã hoàn thiện Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Tại Luật này đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ (chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng...) và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, vì vậy đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 không được hồi tố để xử lý.
Thứ hai, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế nhưng phải đáp ứng được điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Hầu hết các khoản nợ hiện nay chưa đủ điều kiện 10 năm nên không được xử lý nợ; trong khi đó đối với các trường hợp người nộp thuế đã chết, đã mất tích, giải thể, phá sản, ngừng bỏ hoạt động kinh doanh, thực tế không còn khả năng nộp NSNN nhưng vẫn phải tính tiền phạt và tiền chậm nộp. Số nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách.
Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì các đối tượng này được khoanh nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế hiện hành không có quy định khoanh nợ. Đây là trường hợp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực, nhưng lại chưa được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành, vì vậy Chính phủ thấy cần thiết phải báo cáo Quốc hội cho cơ chế xử lý.
Thứ ba, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 trước đây quy định tiền phạt, phạt chậm nộp, tuy nhiên theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu phải tách 2 hành vi, phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp. Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực từ 1/7/2013 đã điều chỉnh hành vi chậm nộp tiền thuế bị “phạt chậm nộp” thành “tiền chậm nộp”. Do đó, đối với các khoản “tiền chậm nộp” theo Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 đến nay chưa có cơ chế xử lý (Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 không có điều khoản chuyển tiếp xử lý số nợ đọng này).
Thứ tư, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định đối với các trường hợp gặp thiên tai bất khả kháng thì được miễn xử phạt vi phạm pháp luật đối với hành vi chậm nộp tiền thuế hay còn gọi là “phạt chậm nộp”. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 thì không có quy định miễn đối với “tiền chậm nộp”. Vì vậy, đối với một số khoản tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuộc các trường hợp gặp thiên tai bất khả kháng phát sinh tiền chậm nộp chưa được xử lý. Vì vậy, Chính phủ thấy cần báo cáo Quốc hội để có cơ chế xử lý.
Thứ năm, các khoản nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh do NSNN chưa thanh toán cho người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn NSNN thì theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, từ ngày 1/1/2011 nếu người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thì được gia hạn nộp thuế tối đa 2 năm; đến Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã có quy định không tính tiền chậm nộp cho những đối tượng này. Tuy nhiên, còn một số trường hợp phát sinh trước ngày 1/1/2011 đến nay còn nợ đọng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp chưa được xử lý, cần có cơ chế xử lý, đồng thời cần quy định rõ không chỉ nhà thầu chính mà cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư.
“Từ tình hình trên, Chính phủ thấy rằng việc báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng thu nộp NSNN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Về phạm vi điều chỉnh, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Người nộp thuế có tiền nợ thuế thuộc đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp quy định tại Nghị quyết này. Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban TCNS nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo trình tự tại một kỳ họp như Tờ trình của Chính phủ.
Hồ sơ trình dự án Nghị quyết đã bao gồm đầy đủ các nội dung về Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Báo cáo đánh giá tổng kết công tác quản lý nợ thuế, thực hiện các quy định của xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính đối với các ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp… đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nguyên tắc xử lý nợ (Điều 3), tại Khoản 4 Điều 3 quy định đối với trường hợp các đối tượng được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp khi quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa, Ủy ban TCNS cho rằng, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị không thu hồi đối với các đối tượng được quy định tại Khoản 1, 2, 3, 6, 7 Điều 4, chỉ thu hồi đối với các trường hợp được xóa do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do vi phạm pháp luật (khoản 4 và 5 Điều 4) và các trường hợp đã được xóa sai quy định.
Về điều khoản thi hành (Điều 8), tại Khoản 1 của dự thảo Nghị quyết quy định “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành”, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo Nghị quyết này và có đánh giá tác động cụ thể.
Nguyễn Hoàng