Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày cho biết, qua 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng.
Hệ thống các cơ sở GDĐH đã phát triển đa dạng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có 4 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và 5 trường tư thục được thành lập trong giai đoạn này, góp phần phát triển GDĐH ngoài công lập.
Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14% năm 2012 lên gần 23% năm 2017. Luật GDĐH năm 2012 đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, giảm thiểu cơ chế hành chính trong quản lý GDĐH. Luật GDĐH năm 2012 là văn bản đầu tiên quy định tương đối rõ nét về công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, qua 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.
Cụ thể, Luật GDĐH năm 2012 mới đặt nền móng cho tự chủ đại học nhưng chưa quy định rõ về quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ dẫn đến tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả cao trong thực tế. Về quản trị đại học, Hội đồng trường là thiết chế quản trị đại học quan trọng nhưng thành phần, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường chưa được quy định rõ ràng nên trên thực tế hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, chưa có thực quyền trong quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường. Về tài chính - tài sản, một số quy định không hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo….
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết. Mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH của Đảng và Nhà nước; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh đối với GDĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển GDĐH, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; đổi mới quản lý Nhà nước, đổi mới quản trị đại học, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế để phát triển GDĐH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dự thảo Luật đã bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GDĐH năm 2012, các nội dung này đã được tích hợp trong 4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật, theo hướng xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đúng theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc của GDĐH hiện nay.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày khẳng định, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, việc ban hành Luật GDĐH năm 2012 là một bước tiến quan trọng trong xây dựng hành lang pháp lý tiến bộ và hiện đại cho GDĐH nước ta.
Sau 5 năm thực hiện, Luật đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực cả trong tư duy, nhận thức và phương pháp tổ chức, quản lý hệ thống; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới đất nước, với việc ban hành Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết 29/NQ-TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT (NQ 29); yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (NQ19); đặc biệt là những biến động về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển GDĐH trên thế giới, Luật GDĐH đã bộc lộ một số bất cập khiến cho việc vận hành và phát triển hệ thống còn hạn chế.
Vì vậy, đa số thành viên Ủy ban tán thành lý do cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH như thể hiện tại Tờ trình của Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc sự cần thiết sửa đổi Luật vì thực tế Luật GDĐH hiện hành có hiệu lực chưa lâu; có những nội dung vừa mới có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nên chưa đủ thời gian để kiểm chứng tính hiệu lực, hiệu quả.
Vì vậy, đề nghị nên có sự tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn những vướng mắc, bất cập, xác định nguyên nhân do quy định của Luật hay do hướng dẫn, tổ chức thực hiện chưa tốt để đề xuất nội dung, phạm vi và thời điểm sửa đổi Luật cho phù hợp hơn.
Ủy ban cơ bản nhất trí với mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật nêu trong Tờ trình và nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật cần cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 về phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, bảo đảm quyền học tập của công dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển; thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; giải quyết được các bất cập của thực tiễn; bảo đảm tính khả thi, sự đồng bộ và nhất quán với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển, hướng đến mục tiêu quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng: có sức khỏe, trí tuệ; có đạo đức, kỷ luật; có năng lực thực tiễn, năng động, sáng tạo; góp phần phát triển văn hóa, tri thức khoa học; tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia; đáp ứng nhu cầu của người học, của Nhà nước và xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật cần thể chế rõ hơn quan điểm “đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH”, GDĐH có thể xem là một loại dịch vụ đặc biệt trong kinh tế thị trường nhưng không thương mại hóa; đổi mới, phân định rõ quản lý Nhà nước về GDĐH với quản trị của cơ sở GDĐH trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình.
Về phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Sửa đổi bổ sung một số điều nhưng phải bảo đảm hướng đến việc giải quyết đồng bộ và khả thi những hạn chế, bất cập của thực tiễn và thể chế hóa được chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng GDĐH; đẩy mạnh hội nhập quốc tế bằng những quy định mang tính nguyên tắc đặt nền móng cho việc sửa đổi toàn diện Luật.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật GDĐH một cách căn cơ hơn để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu: Chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Hoàng