Quốc hội nghe Báo cáo giải trình dự thảo Nghị quyết kế hoạch phát triển KT-XH 

(Chinhphu.vn) - Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 8/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trình bày báo cáo giải trình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 26/10/2018, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Đến ngày 30/10/2018, Đoàn thư ký đã nhận lại được 226 ý kiến, trong đó có 152 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 74 ý kiến tham gia một số ý vào dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu tổng quát như dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị rà soát, tránh trùng lặp giữa nội dung “nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế” với nội dung “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng 6,8-7%. Có ý kiến đề nghị nên giữ như năm 2018 từ 6,5-6,7%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu CPI dưới 4%, có ý kiến đề nghị dưới 4,1%, không ghi “khoảng 4%”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó, lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện. Do vậy, chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu về xây dựng thiết chế công đoàn (nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao); chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội; chỉ tiêu về du lịch, biển, giáo dục, đào tạo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, theo đó giao Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện 22 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ chỉ tiêu này được xây dựng cho giai đoạn 2016 - 2020 nhằm bảo đảm tính thống nhất, ổn định trong theo dõi và đo lường. Việc bổ sung thêm chỉ tiêu cần được xem xét, nghiên cứu cụ thể để báo cáo Quốc hội áp dụng cho giai đoạn tiếp theo./.

Nguyễn Hoàng

331 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 810
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 810
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77003399