Nghị quyết quyết nghị thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng Đoàn giám sát.
Về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát và các cơ quan, cá nhân có liên quan, Nghị quyết nêu rõ: Trưởng Đoàn giám sát chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách Ủy viên Đoàn giám sát.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan. Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020; báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.
Văn phòng Quốc hội giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.
Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện cụ thể tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề nói trên; gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Theo Kế hoạch giám sát, mục đích của hoạt động giám sát này nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Về phạm vi giám sát: Quốc hội giám sát tối cao tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên phạm vi cả nước. Thời gian từ ngày1/1/2015-1/6/2019.
Nguyễn Hoàng