Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình, Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo 16 trang nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với 3 nhóm vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động. Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối. Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Trong quá trình điều hành chất vấn, khi cần thiết, chủ tọa sẽ mời Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình thêm những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trước khi trả lời chất vấn, báo cáo một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn Quốc hội, cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua và đã lựa chọn chất vấn Thống đốc tại Kỳ họp thứ 8.
"Đây là dịp để Ngân hàng Nhà nước được lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó giúp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kể từ Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV) - Kỳ họp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn các đại biểu đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.
Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí.
Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngân hàng không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nhận diện để khắc phục, tiến tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hải Giang