|
Chủ tịch Quốc hội: Thời gian qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. |
Lĩnh vực GTVT đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tiếp tục không khí của 2 phiên chất vấn trước, phiên chất vấn đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông đã diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và có một số ý kiến tranh luận để làm rõ vấn đề.
“Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian vừa qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực. Những nội dung được Quốc hội chất vấn hôm nay có nhiều vấn đề không mới, có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm, có những nội dung đã được Quốc hội giám sát nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm gây bức xúc trong dư luận, như: chậm tiến độ, thất thoát lãng phí, đặt trạm BOT...
Với mong muốn cần có những giải pháp khả thi nhằm giải quyết một cách triệt để, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn để Chính phủ, Bộ trưởng nghiên cứu, có các giải pháp mang tính đột phá.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn.
Cụ thể, tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông vận tải cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Khẩn trương triển khai xây dựng, điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch ngành giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm toán, các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả của các dự án, công trình giao thông.
Huy động mọi nguồn lực giải quyết cơ bản những tắc nghẽn
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp, vừa có bước đột phá theo hướng hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc.
Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, ùn tắc giao thông, trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cân đối nguồn lực để đầu tư hiệu quả hệ thống giao thông của các vùng miền, chú trọng khu vực khó khăn, vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm hoạt động giao thông được thông suốt, an toàn; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải cạnh tranh bình đẳng theo quy định của pháp luật; phát triển đồng bộ các loại hình hỗ trợ cho giao thông vận tải.
Thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án đã được Quốc hội quyết định; có phương án để giải quyết dứt điểm các dự án còn dở dang, sắp hoàn thành.
Làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây chậm tiến độ
Xử lý, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các dự án giao thông, xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm đáp ứng tiến độ thi công các dự án.
Làm tốt công tác đấu thầu để lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia các dự án giao thông vận tải.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải; làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện; siết chặt công tác quản lý, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh theo lộ trình; tăng cường phối hợp lực lượng để xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải; hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ trong năm 2019.
Sửa đổi các quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, bảo đảm công bằng giữa taxi truyền thống và công nghệ; kết nối hệ thống thông tin giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ với cơ quan quản lý để bảo đảm công khai, chặt chẽ, tránh việc trốn thuế.
Khắc phục ngay các “điểm đen”, hoàn thiện quy định phạt nguội
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế. Khẩn trương quyết toán các dự án BOT để bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai giám sát chặt chẽ việc thu phí bằng hệ thống công nghệ phù hợp. Cuối năm 2019 tất cả các trạm BOT đều có hệ thống thu phí không dừng.
Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục ngay các “điểm đen” trên các tuyến giao thông đường bộ.
Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; tổ chức tốt công tác cứu hộ giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông của người dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm.
Nghiên cứu hoàn thiện quy định về phạt nguội thông qua các thiết bị công nghệ; có các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, tăng chế tài xử phạt đối với lái xe sử dụng bia, rượu, bia ma túy điều hành phương tiện giao thông.
Thông qua phiên chất vấn hôm nay, Chủ tịch Quốc hội mong rằng, Quốc hội, nhân dân và cử tri chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà ngành giao thông vận tải đang thực hiện, đồng thời mong muốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Giao thông vận tải như mạch máu của nền kinh tế
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã nhận được nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và làm tốt trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải như mạch máu của nền kinh tế. Dù đã được quan tâm nhưng hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, việc phát triển giao thông vận tải cần phải có ngân sách.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ngân sách rất hạn chế, do đó mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng hệ thống giao thông vận tải Việt Nam còn rất nhiều bất cập.
“Với nguồn vốn được giao, chúng tôi cố gắng tham mưu Chính phủ để thực hiện những dự án trọng điểm nhất, tốt nhất, để sử dụng vốn có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Về lĩnh vực an toàn giao thông, theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực mà cả xã hội rất quan tâm vì gắn liền với đời sống của người dân. Ông cho biết được sự chỉ đạo tập trung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông đang từng bước được kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn đang ở mức cao, số vụ số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn nhiều, đây là trách nhiệm lớn của ngành giao thông vận tải. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn các cơ quan chức năng và toàn hệ thống chính trị tiếp tục cùng vào cuộc, cố gắng đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn cho người dân.
Về công tác quản lý vận tải, Bộ đã bám sát Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư để điều hành. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện mô hình xe mới đó là xe công nghệ, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ mà một số nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến xã hội dư luận quan tâm. Bộ trưởng cho biết, cố gắng trong trách nhiệm của mình sẽ bảo đảm hoạt động vận tải được tốt nhất.
Về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang tập trung để hoàn thành đúng tiến độ hạ tầng mà Chính phủ đã giao.
“Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng yêu cầu về phát triển hạ tầng, quản lý vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, nhưng chúng tôi biết nhu cầu rất lớn mà khả năng có hạn. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì đây là cơ sở để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Tư lệnh ngành giao thông nói và cam kết sẽ cố gắng trả lời tốt nhất chất vấn của các đại biểu.
|
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tại hội trường, đã có 45 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Các đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận); Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu); Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình); Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An); Bùi Văn Phương (Ninh Bình);... chất vấn các nội dung: Mở rộng Quốc lộ 1, làm tuyến tránh qua các đô thị; Giải pháp kiểm soát xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng; đầu tư các công trình giao thông vùng khó khăn (Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long); xử lý 69 dự án giao thông lớn, chậm tiến độ; có lợi ích nhóm trong các dự án BOT giao thông không...
Nâng cấp tuyến tránh cần nguồn lực
Về nâng cấp quốc lộ 1, làm các tuyến tránh đô thị, Bộ trưởng cho rằng, đây là giải pháp rất tốt để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai các tuyến tránh đô thị, do ngân sách rất hạn chế, tốc độ tăng trưởng xe rất nhanh, các tuyến tránh chỉ làm 2 làn đã dẫn đến quá tải, nguy cơ xảy ra tai nạn. Chúng tôi nhận thức được trách niệm của mình.
Theo Bộ trưởng, để nâng cấp tuyến tránh rất cần thiết, nhưng cần nguồn lực. Trong nhiệm kỳ này chúng ta đã phân bổ nguồn lực từ đầu nhiệm kỳ, đến nay chỉ còn 10% dự phòng, chỉ giải quyết vấn đề cấp bách. Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong đại biểu Quốc hội ủng hộ để nhanh chóng nâng cấp các tuyến tránh này.
Xe quá khổ quá tải phá hoại tài sản của nhà nước
Về xử lý xe quá tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Bộ Giao thông vận tải có các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm. Khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải đảm bảo đúng quy trình, đúng kết cấu trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện cơi nới để chở quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.
Với trách nhiệm của mình, Bộ đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải.
Tuy nhiên, tình trạng quá khổ quá tải còn diễn ra một số địa phương, tập trung chủ yếu ở tuyến đường nông thôn, tỉnh huyện. Các xe này không dám đi trên đường quốc lộ vì ở đây có nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát hơn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, bởi đây là hành vi phá hoại tài sản của nhà nước. Xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu mặt đường.
|
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất
Về đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông, do đó Bộ đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân, điều chỉnh và tham mưu Chính phủ, cuối 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 138 thay thế một số nội dung của Nghị định 65 về các cơ sở đào tạo.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính cũng như Nghị định 86, trong đó đã lồng ghép các nội dung như: Tăng cường giám sát giờ học của các học viên; tăng cường giám sát thời gian tập trên đường; tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó.
“Chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất’, Bộ trưởng khẳng định.
Những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra với lái xe có thâm niên
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số vụ tai nạn nghiêm trọng, gây bất an cho xã hội có liên quan đến lái xe, công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Ngoài công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn công tác quản lý lái xe trong quá trình vận hành.
Theo số liệu thống kê, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thường với lái xe có thâm niên 8 - 10 năm chứ không phải lái xe mới nhận bằng.
Do đó, để xử lý vấn đề này, theo Bộ trưởng, ngoài tăng cường kiểm tra sát hạch, thì còn phải tăng cường kiểm tra doanh nghiệp vận tải, hoạt động của lái xe, nhất là tình trạng sử dụng bia rượu.
Vấn đề này được đưa vào Nghị định 46 và Nghị định 86 đang nghiên cứu sửa đổi để nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu xe, lái xe, tăng mức răn đe trong các hình thức xử phạt.
Các biện pháp này, cùng với sự phối hợp của địa phương, Bộ Công an, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, sẽ kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn nghiêm trọng.
|
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu vấn đề: Sau kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, 2 Bộ Kế hoạch Đầu tư và Giao thông vận tải với nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.
Đại biểu hỏi Bộ trưởng vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không và có lợi ích nhóm ở đây hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước.
Ông cho biết, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ Giao thông vận tải không đồng ý kiểm toán dự án.
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước chúng tôi đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, chúng tôi sẽ quyết toán.
Căn cứ vào quyết toán thực tế, sẽ điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Bộ trưởng cho biết đã giải trình vấn đề này một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu.
Ưu tiên bố trí vốn cho vùng khó khăn
Về hạ tầng giao thông kém tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đồng bằng song Cửu Long được bố trí vốn như các vùng khác nhưng do suất đầu tư cao, đất yếu nên khi làm cầu phải gia công tốn kém dẫn đến chi phí cao. Vùng trung du phía Bắc cũng có tình trạng tương tự.
Theo Bộ trưởng, các vùng này nên được ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nhiều hơn, không nên căn cứ vào vốn như hiện nay.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu trình Quốc hội phương án phân bổ vốn đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp cho hai khu vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng
Về các dự án tồn đọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã đề nghị bố trí 69 dự án nằm rải rác ở các địa phương, chi phí khoảng 2.200 tỷ đồng, dự kiến lấy trong phân bổ vốn dự phòng.
Đây là các dự án được khởi công trước năm 2015 khi Luật Đầu tư công chưa có hiệu lực. Bộ trưởng mong Quốc hội đồng ý phân bổ vốn để xử lý dứt điểm các dự án này.
“Chúng tôi cam kết từ giờ sẽ không có những dự án kiểu này, mà chuyển sang mô hình hợp tác công tư (BT). Mong Quốc hội trong kỳ phân bổ khoảng 2.400 tỷ đồng để trả chi phí thi công các công trình này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đa số dự án đội vốn đều rơi vào đường sắt đô thị
Hiện nay, các dự án của ngành giao thông vận tải có nhiều tồn tại, trong đó nổi bật là chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. Trách nhiệm cá nhân có truy đến cùng không hay chỉ tập thể thôi? Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) muốn xử lý đến cùng trách nhiệm cá nhân để xảy ra tình trạnh này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua Thanh tra Bộ đã thanh tra các dự án mà báo chí và người dân phản ánh về chất lượng. Cùng với đó, Bộ đã phối hợp với Thanh tra các Bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý.
Với những dự án, công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn chưa kịp thời thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dự án do trách nhiệm chủ quan của các cơ quan có liên quan, do chủ đầu tư thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ qua cơ quan công an xử lý.
Đối với các dự án đội vốn, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đa số đều rơi vào dự án đường sắt đô thị. Đây là dự án được phê duyệt trước năm 2008, đến năm 2008 - 2009 là khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá đến gần 20%. Thống kê từ năm 2009 - 2013 trượt giá khoảng 49%. Với yếu tố công nghệ mới, trượt giá, thay đổi chủ trương, quy mô đầu tư nên dự án một số hạng mục có đội vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, “những dự án dư luận quan tâm, Bộ đã cùng cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra vào cuộc để kiểm tra. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chúng tôi ủng hộ chủ trương này.
Về trách nhiệm của bộ, đã điều chỉnh một số giám đốc dự án, và đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm làm hoàn thành nhiệm vụ mặc dù các cơ quan đơn vị đề nghị hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời thanh tra và xử lý cán bộ”.
Quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân gây thất thoát, lãng phí
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, Bộ trưởng trả lời còn tránh. Không chỉ có 5 dự án đường sắt đội vốn mà có nhiều dự án đội vốn rất lớn như dự án đường ven biển Dung Quất Sa Huỳnh với 6 lần điều chỉnh và tăng mức đầu tư 3.956 tỷ, dự án hệ thống Thủy lợi ở Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần tăng 2.687 tỷ đồng…
Đề nghị Bộ trưởng phải xem lại vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng nêu rõ, quan điểm của ông là phải quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân nào gây thất thoát, lãng phí này để xử lý nghiêm, răn đe phòng ngừa cho các dự án sau.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng cho biết: Trong 3 dự án mà đại biểu phản ánh, có 2 dự án do địa phương quản lý. Những dự án vượt tổng mức đầu tư với số lượng lớn, còn những dự án mấy chục tỷ, 200 tỷ thì đã được thể hiện ở báo cáo kiểm toán.
Bộ Giao thông vận tải, các bộ làm chủ đầu tư, chủ đầu tư, các địa phương căn cứ theo kết quả kiểm toán để rà soát và xử lý nghiêm cá nhân nếu do chủ quan mà vi phạm. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu.
Lái xe tải sử dụng ma túy, có trách nhiệm của Bộ
Trả lời chất vấn của các đại biểu về lái xe tải sử dụng ma túy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là có vì Bộ quản lý các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải.
Dưới Bộ có các Sở Giao thông vận tải đang tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị sử dụng nhiều lái xe để quản lý chất lượng phương tiện, tình trạng sức khỏe của lái xe, cố gắng thực hiện đúng quy định.
Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và phối hợp với các địa phương đi thanh tra trọng điểm một số nơi, một số đơn vị, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên địa bàn thì rộng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong sẽ nhận được thông tin của báo chí; nhấn mạnh, với thông tin cung cấp sẽ rà soát và xử lý nghiêm.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đấu thầu cao tốc Bắc-Nam: DN trong nước nên liên kết lại
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) liên quan đến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, ngân sách đang khó khăn, nguồn lực trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án BOT giai đoạn trước nên nguồn lực rất hạn chế. Tín dụng ngân hàng đầu tư nhiều dự án BOT nên nhiều doanh nghiệp trong nước có khó khăn về nguồn vốn, tín dụng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, đây là dự án lớn, trọng điểm cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định Chính phủ về đấu thầu, theo Bộ trưởng, hiện đang đấu thấu quốc tế và trong đấu thầu quốc tế đã thuê hai tư vấn nước ngoài lập hồ sơ mời thầu, cho ý kiến về hồ sơ mời thầu, cố gắng thực hiện công tác đấu thầu thu hút được nguồn vốn nước ngoài.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khuyến cáo nên liên doanh 3 – 4 doanh nghiệp trong nước thành một đơn vị.
“Như thế chúng ta có thể có được tài chính doanh nghiệp bảo đảm 20% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, hoặc thu xếp các nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, hoặc doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài vì chúng ta đấu thầu quốc tế các doanh nghiệp trong và người nước đều có thể liên doanh, liên kết với nhau.
Tôi tin rằng với dự án này, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Đáng mừng là, chúng tôi đã bán được 81 hồ sơ, có 34 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài, 24 doanh nghiệp trong nước. Tiến độ bán hồ sơ vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ cố gắng tháng 8 mở thầu để sơ tuyển, doanh nghiệp trong nước cũng hoàn toàn có cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
|
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thu phí tự động, gắn camera kiểm soát lưu lượng xe
Trả lời chất vấn của đại biểu về thu phí không dừng, vì sao tới giờ vẫn khó thực hiện, mới triển khai đạt 30% trên toàn quốc? Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai.
Giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án thu phí tự động không dừng có một bất cập là việc dán thẻ và nộp tiền vào thẻ để sử dụng thì còn đang hạn chế. Nguyên nhân là do hiện nay chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thu tự động nên các trạm thu phí.
“Mặc dù có làn thu phí không dừng, chúng ta vẫn thu phí thủ công. Hiện nay có tâm lý là thu phí tự động cũng được mà thu phí thủ công cũng được. Lái xe mặc dù là gắn thẻ vẫn có thể là không nộp tiền, đi theo phương thức thủ công”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, dán thẻ chúng ta chưa gắn chip toàn bộ các trạm trên toàn quốc nên số lượng doanh thu từ các làn thu phí không dừng không cao.
“Để giải quyết việc này, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị lắp đặt thiết bị đúng theo tiến độ, sắp tới chúng tôi tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả các phương tiện mà không được gắn thẻ hoặc chưa nộp tiền thì phải đi vào làn thủ công.
Chúng tôi đã bố trí tất cả các trạm, mỗi trạm chỉ khoảng 1-2 làn thủ công, phương tiện nào không chấp hành phải xếp hàng. Lúc đó kéo dài 5-10km thì cũng phải xếp hàng, không được quyền đi vào làn thu phí tự động”, Bộ trưởng nêu giải pháp.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho lái xe gắn thẻ cũng như nộp tiền thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để liên thông thẻ thu phí với tài khoản của thẻ các ngân hàng để người sử dụng thẻ thuận lợi hơn. Sắp tới Bộ sẽ tham mưu ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho công tác gắn thẻ.
Bộ trưởng cho biết thêm, việc thu phí tự động hoàn thành triển khai vào cuối năm nay. Theo đó, cuối năm nay tất cả các trạm thu phí sẽ có camera kiểm soát lưu lượng hàng ngày. Từ đó, sẽ kiểm đếm từng loại xe để đối chiếu doanh thu và việc kiểm tra doanh thu sẽ tốt hơn hiện nay nhiều.
Xây cảng lớn, cao tốc liên hoàn ở ĐBSCL
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đặt vấn đề: ĐBSCL có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Dù được trung ương và bộ ngành quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn. Là tư lệnh ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng suy nghĩ và có giải pháp gì?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TPHCM vì ở đây mới có tàu lớn vận chuyển hàng hóa.
ĐBSCL có 21 cảng nhưng cảng lớn nhất là Cái Cui chỉ phục vụ được tàu tới 20.000 tấn. Bất cập là luồng vào chỉ đảm bảo tàu 10 nghìn tấn đầy tải.
Để phát triển khu vực này, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu. Trong kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100 nghìn tấn vào khai thác.
Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Ở vị trí đó, mớn nước sâu khoảng 15 - 16 m, không phải nạo vét luồng. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này. Khi có cảng, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá.
Trong quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ xây dựng cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, đưa hàng hoá ra nước ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ.
Thi công gây lún, nứt nhà thầu phải bồi thường
Đại biểu Đỗ Đại Phong (Thái Nguyên) nêu vấn đề: Mỗi lần cải tạo, nâng cấp, mở rộng và làm mới đường giao thông, chúng ta phải dành một nguồn ngân sách rất lớn để giải quyết vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cho nhân dân, gây lãng phí nguồn lực. Khi thi công các công trình giao thông vẫn thường xảy ra hiện tượng làm sụt, lứt, nún nhà dân và các công trình liên quan. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp hạn chế và khắc phục tình trạng trên.
Trả lời đại biểu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc cải tạo nâng cấp quốc lộ thường bị tắc ở khâu giải phóng do chi phí lớn.
Về giải pháp khắc phục, theo Bộ trưởng, từ nay, khi thi công tuyến đường ở đô thị lớn, chúng tôi sẽ đền bù giải phóng mặt bằng đúng quy hoạch và bổ sung hàng rào hai bên để quản lý như với đường cao tốc. Tất cả đường cắt ngang cần làm cầu vượt, giữ đất đúng quy hoạch để sắp tới khi mở rộng nâng cấp sẽ có quỹ đất, tránh tình trạng nhà cửa xây lên, khi giải phóng mặt bằng sẽ rất tốn kém. Đây là giải pháp căn cơ nhất, ít tốn chi phí, đảm bảo tuyến đường được đúng quy hoạch.
Về việc xây dựng đường nứt nhà dân, vừa qua Bộ đã xử lý ở dự án mở rộng ở Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đây là trách nhiệm của Ban Quản lý dự án và nhà thầu. Từ nay, Bộ yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát xem xét các phương án thi công. Cần thiết thì thay đổi phương án thi công để giảm rung chấn, ảnh hưởng đến nhà dân. Nếu nhà thầu không chấp hành nghiêm thì phải bồi thường lún nứt. Bộ trưởng cho biết thêm, vừa qua đã có 250 tỷ đồng được đền bù cho người dân bị nứt nhà dọc Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
|
Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV |