Quốc hội thảo luận cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước 

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp


Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, yếu kém, chỉ ra những lực cản và kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách trong thời gian tới.

Đa số các đại biểu đều đồng tình cao với nội dung báo cáo giám sát về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc định trình bày trước Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết, khách quan trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đồng thời đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến việc rà soát, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh phân cấp phân quyền... nhiều ý kiến đại biểu đặc biệt là nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm cán bộ công chức sai phạm, "vô cảm", kỷ luật công vụ không nghiêm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế không đạt yêu cầu.

* Chiều 30/10, các đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam); Lê Thanh Vân(Cà Mau); Lý Tiết Hạnh (Bình Định); Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Lê Xuân Thân (Khánh Hòa); Phạm Xuân Thăng (Hải Dương); Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh); Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội); Đinh Văn Nhã(Phú Yên) ... tiếp tục góp ý về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đề nghị phải rõ ràng về phân công quyền lực; cân đối nguồn lực thực thi; hai là, xây dựng thể chế nhân sự để "đong đếm được số lượng, chất lượng cán bộ"; đại biểu cho rằng việc tuyển chọn nhân sự đặc biệt là cán bộ cấp cao là "gốc rễ của mọi vấn đề"... qua đó đề xuất cơ chế để trên có Ban chỉ đạo xứng tầm để triển khai thực hiện; hai là phải chuẩn hóa tiêu chí đánh giá từ cán bộ đến công chức để rõ người, rõ việc, rõ đánh giá; tiếp đó phải đổi mới phải phương thức đánh giá cán bộ công chức; quản lý chặt nhóm cán bộ công chức chủ chốt; cơ chế thu hút, bồi dưỡng, tận dụng, đãi ngộ tài năng đối với những người có tài, có đức vào cơ quan nhà nước; tiết kiệm trong chi thường xuyên;... Cuối giờ chiều, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Làm rõ nguyên nhân phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân về phân cấp, phân quyền chưa đạt như yêu cầu về Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp đặt ra. Một mặt do tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành chưa đạt được như các địa phương. Mặt khác do quy định pháp luật về trách nhiệm chưa tương thích với quyền lợi, trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc bộ phận công chức, chuyên viên mà bộ phận đó mang lại. “Đề nghị cần phân tích thẳng thắn thấy việc chậm vì sao”, đại biểu yêu cầu.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đầu giờ sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Lý do thứ hai là do địa phương có tính ỷ lại, thiếu chủ động, các bộ, ngành chưa lắng nghe ý kiến, kiến nghị ở các địa phương. “Có thực tế các địa phương đã đề nghị được phân cấp, có chứng minh rõ lý do vì sao cần phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe vấn đề này”, đại biểu cho biết. Thêm một vấn đề nữa được đại biểu chỉ ra, đó là sự thiếu tôn trọng thực tiễn, đánh giá các điều kiện đủ. “Tôi cho rằng có tư tưởng cào bằng, cầu toàn, cho nên thực hiện vấn đề này chưa tốt”, đại biểu nói.

Chính vì vậy, để việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi sát với quy đinh pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương cần có sự chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể. Chính quyền địa phương phải chứng minh cho được năng lực, chứng minh được sự đổi mới của mình trong tư duy trong quản lý. Chính phủ, bộ, ngành phải chủ động phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp. Chính phủ cùng bàn luận với địa phương để xem phân cấp vấn đề gì. Cần giám sát việc thi hành pháp luật để xem pháp luật có được thực thi đúng không?

Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) tranh luận, cho rằng thủ tục đầu tư hiện quá rườm rà, phức tạp... làm cho GDP không tăng trưởng được; đây không phải là cơ quan hành chính nhũng nhiễu mà còn do luật pháp chồng chéo khó thực hiện; dẫn báo cáo của VCCI cho rằng chi phí không chính thức, chi phí tín dụng cao hơn so với các nước trong khu vực dẫn tới giá thành sản phẩm của VN cao hơn các nước trong khu vực từ 15-17%, hàng hóa VN không xuất khẩu được mà thua ngay trên sân nhà, dẫn tới DN Việt đình đốn, phá sản ngay trên sân nhà, nhà nước mất nguồn thu... do vậy cần phải làm rõ nguyên nhân gốc rễ để có giải pháp phù hợp... Đại biểu đề nghị xem xét lại quy trình làm luật; cơ quan soạn thảo luật phải độc lập với cơ quan quản lý...

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) góp ý Báo cáo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa pháp lý cho CBCC

Sau giờ giải lao buổi sáng, từ 9.50' - 11.30' các đại biểu tiếp tục thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu về vấn đề chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế cả về chuyên môn và văn hóa pháp lý, đề nghị bổ sung giải pháp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và văn hóa pháp lý của đội ngũ công chức. Về tinh giản biên chế, đại biểu cho rằng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống VBQPPL, có tiêu chí đánh giá, phân loại cụ thể từng cán bộ, công chức, tổ chức để tiến hành tinh giản đúng người, tinh gọn bộ máy...

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua, nhưng đại biểu cho rằng tiến trình cải cách đang đứng trước nhiều thử thách, trở lực cần phải vượt qua, do vậy cần đề cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cải cách trong thời gian tới. Theo đó, đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các khuyến điểm, sai phạm, buông lỏng quản lý, tình trạng "vô cảm" ... của người đứng đầu ở địa phương, nhất là sai phạm làm nhân dân bức xúc (đại biểu lấy VD vụ cà phê Xin Chào; cống nước ở Quán Thánh, Hà Nội; Phó Chủ tịch Quận I, TPHCM chống lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè).

Lấy ví dụ từ "điểm sáng" Quảng Ninh trong đổi mới cải cách bộ máy hành chính nhà nước, đại biểu đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ về tinh thần để có đủ dũng khí vượt qua "cống Quan Thánh" và phải có "bàn tay sắt" như Đảng đang làm trong công tác cán bộ, coi bộ máy, biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng việc giao biên chế còn chưa sát thực tế, lấy dẫn chứng nhiều bộ ngành còn dư biên chế được giao (tại các Tổng cục, cục, vụ), đại biểu đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ việc giao biên chế, tránh cơ chế xin cho, thống nhất cơ quan quản lý biên chế. 

Lấy dẫn chứng, khi vào website của một tỉnh thì thấy lãnh đạo của UBND tỉnh có 4 đồng chí, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải kiêm nhiệm Trưởng ban hoặc Chủ tịch của 27 tổ chức liên ngành, 3 Phó Chủ tịch còn lại phải kiêm nhiệm - người ít nhất là 10 tổ chức, người nhiều là 25 tổ chức, đại biểu đề nghị khẩn trương rà soát, kiên quyết giảm các tổ chức liên ngành ở cả Trung ương, địa phương. 

Về xây dựng cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, cơ quan cấp tỉnh, đại biểu cho rằng cần cấp thiết xây dựng tiêu chí thống nhất để chấn chỉnh tình trạng gia tăng số phòng trong vụ, nâng cấp vụ lên thành cục... cần ban hành Pháp lệnh quy định vấn đề này để thực hiện thống nhất trong bộ máy Nhà nước.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị làm rõ "địa chỉ" ai ở đâu còn chưa kiên quyết, còn cục bộ trong ngành, địa phương khi tiến hành cải cách bộ máy hành chính nhà nước; đại biểu kiến nghị xác định rõ mục tiêu "xây dựng nền hành chính vì dân", bố trí cán bộ cơ sở phù hợp cả về đạo đức, trình độ, có chế độ đãi ngộ thích hợp; đề nghị lãnh đạo Trung ương dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý những bất cập kịp thời, hạn chế tình trạng chính sách ban hành thiếu tính thực tiễn, khả thi; đồng thời phải có giải pháp phân cấp triệt để cho địa phương, làm rõ phần việc nào của Trung ương, phần việc nào của địa phương, có quy định pháp luật cụ thể; đề nghị khi ban hành chính sách phải bố trí nguồn lực, tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không đi vào thực tế vì thiếu nguồn lực thực thi...

Đại biểu Phạm Văn Tuấn (Đoàn Thái Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng kết quả cải cách tổ chức bộ máy tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa vững chắc, đại biểu phân tích tình trạng cấp trên "ôm đồm", cấp dưới "đẩy việc" lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở Trung ương, cấp dưới bị động, ỷ lại, cơ chế xin cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, và cuối cùng công việc của dân, của nước bị ách tắc...

Đại biểu cho rằng đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế, chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân, nguyên nhân công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch là do họ ít phụ thuộc vào dân, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên; phần lớn công chức không thạo việc (dù bằng cấp rất đầy đủ); tình trạng phân cấp phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng dẫn tới cấp trên phải làm thay cấp dưới... Quan chức chính trị bị sa vào công việc hành chính cụ thể... đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong bộ máy; về lâu dài các quan chức chính trị phải được dân bầu hoặc giới thiệu; quan chức hành chính phải được tuyển dụng theo tiêu chí cụ thể; xây dựng quy chế cụ thể đánh giá công chức trên cơ sở hài lòng của người dân một cách thực chất.

Cần chỉ rõ địa chỉ cụ thể

* Các đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận); Nguyễn Thanh Hồng(Bình Dương); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An); Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn); Cao Đình Thường (Phú Thọ); Võ Đình Kính (Đắk Nông): Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành rà soát hệ thống VBQPPL để quy định thống nhất về tổ chức bộ máy; quy định biên chế cấp tỉnh phải dựa trên cơ sở quy mô dân số và đặc thù của địa phương, đặc thù mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, nông thôn miền núi; thận trọng khi tiến hành sáp nhập các cơ quan, tránh điệp khúc "tách nhập, nhập tách", "tách ra là để chuyên sâu/ nhập vào là để giảm đầu mối đi"... 

Đồng thời, cần có quy định phù hợp về biên chế cấp xã, sử dụng cán bộ linh hoạt, thực hiện chế độ kiêm nhiệm, một người có thể đảm nhiệm nhiều công việc; đề nghị cần thảo luận sâu hơn về việc quy định tổ chức, bộ máy trong các VBQPPL chuyên ngành vì đã quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thì phải có bộ máy thực hiện, nhất là những vấn đề chưa có luật nào quy định; bên cạnh đó, cần cải cách tiền lương trong thời gian tới... 

Các đại biểu cho rằng, cần tiến hành phân loại, đánh giá cụ thể về đội ngũ cán bộ, công chức làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế, tránh tình trạng giữ lại người kém, cho ra ngoài bộ máy những người giỏi, "ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người";... 

Bên cạnh đó, phải chỉ rõ cấp trung gian là cấp nào (tổng cục, cục hay vụ, phòng trong vụ) để giảm cấp trung gian; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực nghề nghiệp; bên cạnh đó cần xây dựng quy định cụ thể về các chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương (Bí thư, Chủ tịch, Tòa án, Kiểm sát, Công an);...

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) phát biểu góp ý Báo cáo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tranh luận. Không phủ nhận nỗ lực của Đoàn giám sát, nhưng đại biểu không đồng tình với nhiều ý kiến đánh giá nội dung báo cáo là toàn diện, cụ thể. Đại biểu cho rằng báo cáo của Đoàn giám sát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra, cụ thể báo cáo chưa nêu được trách nhiệm của các cơ quan, tập thể, cá nhân; chưa chỉ rõ tập thể nào, cá nhân nào thực hiện chưa đúng quy định về cải cách tổ chức bộ máy hành chính để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm; chỉ rõ địa chỉ nào làm tốt để biểu dương, khen thưởng...

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Thái Học về nội dung này. Cho biết, báo cáo đã chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan: Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân cũng chia sẻ rằng, chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân cụ thể là rất khó.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận lại một số ý kiến cho rằng một số VBQPPL chuyên ngành "lấn sân" quy định về tổ chức dẫn tới làm tăng đầu mối bộ máy, biên chế. Đại biểu cho rằng, trong các luật Quốc hội chỉ quy định nguyên tắc, không quy định cụ thể về bộ máy bên trong.

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

 

827' - 9.30': Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời kiến nghị, khẩn trương, xây dựng hoàn thiện áp dụng đồng bộ Chính phủ điện tử. Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, rà soát đề án vị trí việc làm sát thực tế và có lộ trình thực hiện. Có tiêu chí đánh giá cán bộ dựa trên năng lực, việc làm để có cơ sở để sắp xếp tinh giản biên chế. Tin giản tối đa bộ máy, khẩn trương chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tự chịu trách nhiệm để áp dụng ngân sách. Rà soát các đơn vị chỉ để lại các đơn vị thực sự cần thiết không thể giao cho tư nhân, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Quy định cụ thể vai trò vị trí chức năng nhiệm vụ của các tổ chức, các thôn, tổ dân phố để xác định rõ số lượng và cơ chế quản lý, chế độ phụ cấp hợp lý. Xây dựng cơ chế tương tác của người dân với hệ thống hành chính quốc gia. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cải cách bộ máy hành chính, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ.

 

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh giải pháp tăng tính chủ động của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ; kiện toàn tổ chức các ban chỉ đạo liên ngành; giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ; xác lập cơ chế không nhất thiết cấp trên có cơ quan nào, cấp dưới có cơ quan đó; xây dựng khung tổ chức các cơ quan chuyên môn (xác định rõ lộ trình và thời gian cụ thể); việc tinh giản biên chế cũng cần gắn với đặc điểm của từng loại đơn vị hành chính, không nên mang tính cơ học, cần bám sát quy mô dân số, đặc điểm, lợi thế so sánh của từng địa phương, các nhiệm vụ Trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện và quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương đã được Trung ương phê duyệt....

 

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; theo đại biểu, mặc dù quy định về tổ chức bộ máy ở địa phương là rất cụ thể, chi tiết với yêu cầu rất ngặt nghèo là chấp hành, nhưng không gắn với yêu cầu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ. Vì thế, khi những khó khăn, phức tạp, yếu kém, buông lỏng quản lý nảy sinh thì chúng ta lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có chỗ đổ thừa cho quy định cấp trên. Tức là, chúng ta chưa thực sự gắn được trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính cấp tỉnh và cấp Trung ương...

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tham luận về các giải pháp chấn chỉnh tình trạng cấp phó vượt quy định, 'lạm phát' lãnh đạo; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra; đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương; xây dựng luật không tăng biên chế, tổ chức; sắp xếp, điều chỉnh hợp lý cán bộ dư thừa; xử lý nghiêm sai phạm, tránh tình trạng nể nang...

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định). Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn “lấn sân” sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Thông qua các quy định về chuyên môn đã có hiện tượng quy định việc thành lập một loạt các tổ chức bộ máy mới từ Trung ương xuống địa phương; tình trạng thành lập cấp phòng trong các vụ chuyên môn; nâng cấp vụ lên cục... Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đại biểu cho rằng nguyên nhân là do thiếu sự cương quyết, còn nể nang khi ban hành các Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của các Bộ. Chỉ rõ, hiện nay, Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ nào lại do chính bộ đó soạn thảo và trình Chính phủ, đại biểu đề nghị, cần tập trung trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ chuẩn bị và trình dự thảo Nghị định, các Bộ khác chỉ nên tham gia, phối hợp. Có như vậy mới giữ nghiêm được kỷ luật trong vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nhấn mạnh tình trạng lãnh đạo quản lý không thực hiện các chỉ đạo của cấp trên về tinh giản bộ máy, tinh giảm biên chế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm, tránh tình trạng xử lý kỷ luật 'nhẹ trên, nặng dưới';...

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh giải pháp rà soát lại các VBQPPL để tránh chồng chéo trong các quy định, gây khó khăn cho việc thực hiện; đồng thời đại biểu cho rằng muốn giảm chi ngân sách, giảm biên chế cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị;...

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đổi mới cải cách bộ máy hành chính nhà nước, chỉ ra những bất cập trong tổ chức bộ máy hiện hành, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát các VBQPPL về tổ chức bộ máy, thiết kế lại toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, chuẩn hóa các quy trình, đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng Nhà nước không làm những việc xã hội có thể làm được; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ minh bạch, cụ thể; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh nhất thể hóa một số chức danh gắn với trách nhiệm, quyền lợi; hợp nhất các xã, huyện không đủ tiêu chuẩn...

Đại biểu TRương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM). Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đại biểu Phạm Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng tinh giản biên chế, bộ máy là yêu cầu khách quan và cấp thiết, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, cho rằng nguyên nhân vẫn do người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm... đại biểu đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai kết quả xử lý để nhân dân giám sát... 

8.00': Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo cho biết, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát thực tế, nghiên cứu tài liệu, làm việc trực tiếp tại các cơ sở được giám sát ở Trung ương, địa phương, Đoàn đã xây dựng báo cáo trình Quốc hội.

Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trong giai đoạn 2011 – 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy được những kết quả của việc cải cách hành chính, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy trong các giai đoạn trước, kế thừa và có bước phát triển.

 

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước ta: chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, kinh tế, văn hóa – xã hội đều có bước phát triển, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

 

 

 

Công tác điều hành, quản lý nhà nước từng bước được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều đạt giá trị trung bình trên 70%; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh từ năm 2011 đến năm 2016 đều ghi nhận sự đánh giá tích cực của người dân về chất lượng dịch vụ hành chính công.

 

Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

 

Hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nội dung bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng được nâng lên (với tổng số 266 văn bản của Trung ương mà Đoàn đã giám sát, gồm 2 bản Hiến pháp, 6 luật, 176 nghị định, 55 thông tư và 27 nghị quyết, quyết định), góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa thật đồng bộ, còn phức tạp, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời; một số văn bản chất lượng chưa cao, tính ổn định thấp, nhiều văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng vẫn quy định làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế, gây khó khăn cho việc thực hiện.

 

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý nhà nước được nâng lên, đã từng bước khắc phục được nhiều việc chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý giữa các Bộ, ngành. 
 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Còn nhiều bất cập cần điều chỉnh

 

Báo cáo cũng chỉ rõ: Tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.

 

Về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương, báo cáo giám sát đánh giá, kết quả hoạt động cơ bản được nâng lên, bước đầu thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ và chưa triệt để; một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới nhưng sau một thời gian ngắn, cấp trên lại thu về (như một số nội dung trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng hoặc việc đăng ký quyền sử dụng đất).

 

Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở Trung ương); chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương.

 

Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý. 

 

Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ: Mô hình tổ chức quản lý ở cấp xã được thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên là cấp chính quyền gần dân nhất nên có vai trò quan trọng trong quản lý dân cư và thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội ở cơ sở; tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế.

 

Thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã. Nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố.

 

Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh (từ 729.509 người giai đoạn tháng 8/2011 lên 837.657 người tại thời điểm tháng 12/2016, tăng 108.148 người), trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này.

 

Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.

 

Về biên chế công chức, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, đã được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao.

 

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.

 

Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị (tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 02 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%).

Báo cáo cũng nêu rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan về những bất cập hạn chế, xác định trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, nêu các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, kiến nghị tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong giai đoạn tới.

6 nhóm giải pháp cơ bản

 

 

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng:

 

- Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết về tổ chức bộ máy và văn bản liên quan nhằm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước. 

 

- Trong năm 2017, Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; văn bản hướng dẫn liên quan đến Hội đồng nhân dân; ban hành nghị định về tiêu chí thành lập và thống nhất mô hình tổ chức phòng, vụ, cục, tổng cục thuộc Bộ và phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. 

 

- Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế.

 

Thứ hai, tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp trong bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; giảm tối đa tình trạng một việc phải qua nhiều cấp xử lý mới quyết định được; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Rà soát chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho xã hội đảm nhận trên cơ sở xác định rõ vai trò Nhà nước -  Thị trường - Xã hội.

 

Thứ ba, tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm: 

 

- Đối với Chính phủ: Tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. 

 

- Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.

 

- Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng như mô hình tổ chức của các Bộ. 

 

- Đối với chính quyền địa phương: Thực hiện từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí quy định và xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp. Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện. Đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính, xác định cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế… phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại địa phương. Rà soát lại tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư.

 

Nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.   

 

Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.

 

- Giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn (hết thời hạn thì đương nhiên chấm dứt). Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.

 

- Khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, mở rộng tự chủ của các đơn vị, hạn chế tối đa việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập tại những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư thành lập. 

 

Thứ tư, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động:

 

- Xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động quản lý, quy mô phát triển,... để xác định tổng biên chế của các Bộ, ngành, địa phương, tránh việc áp đặt bình quân đồng loạt.  

 

- Thực hiện việc khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố gắn với xây dựng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. 

 

- Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015 nhưng vẫn phải thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. 

 

- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai về kết quả thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Xây dựng tiêu chí làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách khoa học, chính xác, thuyết phục. 

 

Thứ năm, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện bảo đảm cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

 

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, người giữ chức vụ chủ chốt do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

 

Liên quan đến nội dung này, Chính phủ đã có Báo cáo số 392/BC-CP ngày 22/9/2017 về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016 (do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký).

Nêu những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, việc thực hiện chính sách, pháp luật về CCHC nhà nước đã đạt được những kết quả cụ thể về: Kết quả rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy hành chính nhà nước; kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; kết quả triển khai cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả rà soát biên chế, công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ,  công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố.

Đồng thời báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố liên quan, tác động đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chủ trương, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; những khó khăn, vướng mắc.

Trên cơ sở đó, báo cáo đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế (về tổ chức bộ máy, về quản lý biên chế, về tinh giản biên chế), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan và đề xuất giải pháp (nhóm giải pháp về nhận thức; nhóm giải pháp về thể chế chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện; nhóm giải pháp về nguồn lực), kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian tới.

Cơ bản rà soát, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ ngành

 

Về kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo cho biết trong giai đoạn này, về cơ bản, Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc: Một việc chỉ do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm; những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp thực hiện; khắc phục chồng chéo, trùng dẫm hoặc chia cắt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; chuyển phù hợp những công việc không nhất thiết Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp phải thực hiện để giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm, vừa tạo điều kiện tinh gọn bộ máy hành chính, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động chung của toàn xã hội.

 

Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, vẫn còn một số vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen.

 

Cụ thể là, trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2016, còn 16 vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen; 2 vấn đề còn bỏ trống; 4 vấn đề cần tăng cường phối hợp.

 

Đến nay, qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương đã xác định 3 vấn đề còn có sự giao thoa và 9 vấn đề cần có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Phụ lục IIc). Các vấn đề giao thoa này sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo để khắc phục trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Bộ máy Chính phủ còn 30 cơ quan, giảm 8 đầu mối

 

Về kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 có 30 cơ quan, gồm: 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

 

So với Chính phủ khoá XI giảm được 8 đầu mối, cụ thể: Giảm 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ (do hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương; hợp nhất Bộ Thuỷ sản và Bộ NNPTNT thành Bộ NNPTNT; hợp nhất Bộ Văn hoá - Thông tin với Uỷ ban Thể dục Thể thao thành Bộ VHTTDL và giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) và giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ (chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ VHTTDL quản lý; chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ quản lý).

 

Tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 được giữ ổn định như Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011.

 

Ngoài các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu trên, hiện nay còn có một số tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương (đã đưa về Ban Nội chính Trung ương); các Ban Chỉ đạo hoạt động theo hình thức tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trong đó quy định về Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo có biên chế công chức chuyên trách; Hội đồng cạnh tranh.

Giảm số vụ; tăng số Tổng cục, cục

 

Về sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, báo cáo cho biết, số lượng vụ, cục, tổng cục và tổ chức tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021 được tổng hợp như sau (chi tiết xem Phụ lục  III, Phụ lục IV):

 

STT

Tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ

Trước 7/2011

Từ 8/2011-7/2016

Từ 8/2016- 31/12/2016

1

Vụ và tương đương

258

266

267

2

Cục thuộc Bộ

105

134

134

3

Tổng cục và tổ chức tương đương

41

40

40

4

Đơn vị sự nghiệp công lập

126

133

133

 

Theo báo cáo, qua sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, tổ chức chỉ thực hiện chức năng tham mưu (vụ) có xu hướng giảm, tổ chức quản lý chuyên ngành vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tổ chức thực thi (tổng cục, cục) theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có xu hướng tăng là cần thiết và hợp lý trước yêu cầu đòi hỏi quản lý chuyên sâu đối với ngành, lĩnh vực; góp phần nâng cao tính ổn định của hệ thống tổ chức hành chính nhà nước; tạo điều kiện để mở rộng hơn quy mô tổ chức các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; giúp các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung nhiều hơn vào quản lý vĩ mô, phối hợp giải quyết đồng bộ các vấn đề liên ngành có hiệu quả hơn.

 

Trong quá trình tổ chức mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cho thấy, các chuyên ngành là cơ sở tổ chức quản lý để phát triển; từ đó dù tách hay nhập tổ chức theo mô hình quản lý nào vẫn không mất đi tính chuyên ngành, kể cả trường hợp sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể một Bộ nào đó, thì các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn được duy trì phát triển và chuyển giao cho các Bộ tương ứng quản lý.

 

Đối tượng chuyên ngành cần quản lý chuyên sâu, ổn định, thường xuyên, liên tục trong mối quan hệ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với sự phát triển tương xứng của lực lượng sản xuất và tiến bộ khoa học - kỹ thuật - công nghệ.

 

Theo đó, các tổ chức quản lý chuyên ngành có tính độc lập tương đối theo đặc điểm, tính chất của từng chuyên ngành. Vì vậy, các tổ chức quản lý chuyên ngành tuy nằm trong cùng cơ cấu tổ chức của Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng không hoà tan mất tính chuyên ngành mà quan trọng hơn là hình thành cơ chế phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các chuyên ngành trong cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực để bổ sung, hỗ trợ, tạo hợp lực phát triển có hiệu quả hơn.

 

* Về số phòng trong vụ thuộc Bộ, báo cáo cho biết, qua 11 Nghị định đã được Chính phủ ban hành trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 (tính đến thời điểm 31/5/2017), số lượng phòng trong vụ thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đã giảm 26 phòng so với nhiệm kỳ Chính phủ 2011 – 2016.

* Về số lượng ban và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ (nhiệm kỳ 2007-2011, 2011-2016 và 2016-2021) được tổng hợp như sau (chi tiết xem Phụ lục III, Phụ lục IV):

 

STT

Tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ

Trước 7/2011

Từ 8/2011-7/2016

Từ 8/2016- 31/12/2016

1

Ban và tương đương

49

53

53

2

Đơn vị sự nghiệp công lập

147

166

166

 

Tăng số lượng tổ chức hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện

 

Về sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tổng quan sắp xếp, tổ chức lại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2011-2016 như sau:

 

STT

Cơ quan chuyên môn

Trước 7/2011

Từ 8/2011-7/2016

Từ 8/2016– 31/12/2016

I

Ở cấp tỉnh

 

 

 

1

Cơ quan được tổ chức thống nhất

17

17

17

2

Cơ quan được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và đặc thù

03

04

04

a

Sở Ngoại vụ

31

49

49

b

Ban Dân tộc

44

47

47

c

Sở Quy hoạch – Kiến trúc

02

02

02

d

Sở Du lịch

0

13

13

II

Ở cấp huyện

 

 

 

1

Cơ quan được tổ chức thống nhất

10

10

10

2

Cơ quan được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị

02

02

02

3

Cơ quan được tổ chức phù hợp đặc điểm đặc thù

01

01

01

 

Phòng Dân tộc

314

332

332

 

Đối với các huyện đảo: Số lượng các cơ quan chuyên môn không quá 10 phòng. Riêng huyện đảo Phú Quốc được tổ chức 12 phòng (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2016). Hiện nay, có 12 huyện đảo có chính quyền địa phương cấp huyện và 11 huyện đảo đã thành lập phòng chuyên môn.

 

Tổng hợp số lượng tổ chức hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện như sau (Phụ lục VIIa, Phụ lục VIIb):

 

STT

Số lượng tổ chức hành chính

Trước 7/2011

Từ 8/2011-7/2016

Từ 8/2016 – 31/12/2016

1

Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

1.148

1.182

1.182

2

Phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

8.702

8.861

8.794

3

Chi cục thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

1.084

1.105

1.095

4

Phòng chuyên môn cấp huyện

8.656

8.854

8.854

 

Báo cáo lý giải, số lượng tổ chức hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện tăng trong giai đoạn 2011-2016 chủ yếu do thành lập mới các cơ quan chuyên môn đặc thù trên cơ sở đáp ứng tiêu chí, điều kiện và tăng đơn vị hành chính cấp huyện.

 

Báo cáo cho biết thêm, ngoài các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện nêu trên, ở cấp tỉnh còn có một số tổ chức hành chính khác được thành lập theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND, đến cuối nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, được tách thành 2 Văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (thành lập năm 2015 theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014) và Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thành lập năm 2016 theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015); 64 Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trực thuộc UBND cấp tỉnh; Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh (nay chuyển về Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương).

 

Ngoài ra, theo số liệu báo cáo của 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ, tính đến ngày 10/12/2016 có 123 tổ chức phối hợp liên ngành (77 tổ chức do Thủ tướng Chính phủ hoặc các Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, 46 tổ chức do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đứng đầu) đang hoạt động với nhiều tên gọi khác nhau (Phụ lục VIII).

Số lượng cấp phó vượt do nguyên nhân khách quan

 

Về số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính từ Trung ương đến cơ sở, báo cáo tổng hợp số liệu như sau (Phụ lục IX, X, XI, XII, XIII):

 

STT

Bình quân số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính

Trước 7/2011

Từ 8/2011-7/2016

Từ 8/2016- 31/12/2016

1

Thứ trưởng và tương đương

5,55

6,14

4,82

2

Phó Tổng cục trưởng và tương đương

2,78

3,22

3,22

3

Phó Cục, Vụ trưởng thuộc Bộ

2,87

2,64

2,58

4

Phó Cục, Vụ trưởng thuộc Tổng cục

2,1

2,31

2,35

5

Phó Giám đốc sở và tương đương

3,00

3,05

3,03

6

Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc sở

1,32

1,46

1,47

7

Phó Trưởng phòng chuyên môn cấp huyện và tương đương

1,55

1,73

1,75

 

Về cơ bản, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, trong một số thời điểm tại một số tổ chức, số lượng cấp phó có vượt so với quy định, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan trong việc sắp xếp tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ và được các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án, lộ trình giảm dần về số lượng theo quy định.

 

Qua việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cho thấy, do số lượng đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan này tăng khi biên chế cơ bản giữ ổn định và thực hiện chính sách tinh giản biên chế nên số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phó phòng trở lên trong các tổ chức hành chính cao, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu.

 

1109 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; 55105 thuộc địa phương

 

Báo cáo cho biết, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập đến nay khoảng 86.000.

 

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Phụ lục XIV) tính đến thời điểm 31/12/2016 tổng số là 1.109 đơn vị.

 

Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương (Phụ lục XVa, XVb), tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng số là 55.104 đơn vị. Trong đó, thuộc UBND cấp tỉnh 486; thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh 10.217; thuộc UBND cấp huyện 44.401.

 

STT

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập

Trước 7/2011

Từ 8/2011- 7/2016

Từ 8/2016- 31/12/2016

1

Thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1.055

1.109

1.109

2

Thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

634

486

486

3

Thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

9.879

10.482

10.217

4

Thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

42.023

44.762

44.401

 

Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW và Quyết định số 2218/QĐ-TTg, một số đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương được sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối như:  Hợp nhất các Trung tâm Xúc tiến trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch thuộc các Sở để thành lập 1 Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư cả 3 lĩnh vực trực thuộc UBND cấp tỉnh; Hợp nhất Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện; Hợp nhất các Ban Quản lý dự án (hoạt động với tính chất đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn); Hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số địa phương.

 

30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính

 

Về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP), theo kết quả tổng hợp của Bộ Tài chính (tổng hợp chưa đầy đủ của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương), đến năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ tài chính, gồm 1.114 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động (3,7%), tăng 322 đơn vị so với năm 2006; 10.827 đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí hoạt động (35,8%), tăng 1.411 đơn vị so với năm 2006; 18.287 đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (60,5%), tăng 5.876 đơn vị so với năm 2006.

 

Triển khai cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP, tính đến hết năm 2016, theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập như sau: 109 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.878 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 12.841 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Các đơn vị còn lại do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động.

 

11 địa phương sử dụng vượt 7951 biên chế

 

Về quản lý biên chế cán bộ, công chức, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý) như sau:

 

STT

Biên chế công chức

Năm 2011

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

 

Tổng số

276.008

281.714

277.055

272.952

269.084

1

Bộ, cơ quan ngang Bộ

110.256

111.675

112.266

110.864

109.146

2

Tỉnh, TP trực thuộc TW

158.752

162.372

162.704

160.292

157.853

3

Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài

 

1.078

1.085

1.085

1.085

4

Dự phòng

7.000

6.589

1000

711

1000

 

Hiện nay, có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.

 

Ngoài ra, tính đến 30/11/2016, các Bộ, ngành, địa phương ký lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp là 19.900 người (18 Bộ, ngành 10.218 người; 46 địa phương 9.682 người).

 

Từ năm 2014 đến nay, biên chế tại các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước ở Trung ương được giữ ổn định là: 686 biên chế.

 

1.272.807 cán bộ xã, thôn, tổ dân phố

 

Về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tính đến tháng 12/2016, số cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.272.807 người. Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã 234.227 người; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã 200.923 người; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố 837.657 người.

 

Về quỹ lương và phụ cấp, tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (đã bao gồm BHXH và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) là 32.404,788 tỷ đồng/năm.

 

2.093.313 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập

 

Về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo cho biết, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng so với năm 2011 là 121.736 người). Trong đó, ở Trung ương là 201.901 người; địa phương là 1.891.412 người.

 

Số viên chức có mặt tại thời điểm 31/12/2016 là 2.102.477 người. Trong đó ở Trung ương là 226.344 người; địa phương là 1.876.133 người.

 

 

Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương còn tự hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể tính đến 30/11/2016 tổng hợp từ 64 bộ, ngành, địa phương có 144.914 người (18 Bộ, ngành: 21.436 người; 46 địa phương: 123.478 người)./.

599 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 833
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 833
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87141318