Trước đó, xuyên suốt tháng 6, Quảng Trị đã chịu đợt nắng gay gắt, liên tục trên nền nhiệt độ cao, cộng với gió Lào thổi mạnh nên lượng bốc hơi lớn đã khiến sông suối khô cạn, mực nước hồ đập vốn đã "khát" nay càng xuống thấp. Điều đó đã khiến sinh hoạt người dân đảo lộn, hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là vụ hè thu 2019.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (bìa phải) kiểm tra tình hình ứng phó nắng hạn.
|
Bần thần nhìn cánh đồng lúa khô cháy trên thửa ruộng nứt nẻ, bà Hồ Thị Thỏn (55 tuổi, H.Vĩnh Linh) cho biết, cơn mưa quý giá vừa qua không đủ cứu những đám ruộng háo nước, lúa khó phục hồi được. Hiện nguồn nước các hồ, đập tại Quảng Trị giảm mạnh, phần lớn chưa đạt tỷ lệ 40% so với dung tích thiết kế. Số liệu ngày 5-7 cho thấy, các hồ Nghĩa Hy (26,5%), La Ngà (22%), Đá Mài và Kinh Môn (đều 31%), Bảo Đài (37%), Ái Tử (31%)... Ảnh hưởng thời tiết bất lợi cũng đẩy báo động về tình hình mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Cụ thể, trên sông Bến Hải mặn đã xâm nhập vượt xa cầu Tiên An. Trên sông Hiếu xâm nhập mặn đã tác động đến cầu Đuồi, trên sông Sa Lung xâm nhập mặn đã tác động đến chân đập ngăn mặn Sa Lung, trên sông Thạch Hãn mặn đã xâm nhập đến khu vực tràn xã lũ. Đã có 2.400ha cây nông nghiệp bị hạn, trong đó hạn nặng đến 1.000ha. Theo Sở NN&PTNT, vụ sản xuất lúa hè thu 2019 đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt ở các địa phương như H. Gio Linh có hơn 446ha, H.Vĩnh Linh gần 250ha, H.Cam Lộ hạn nặng gần 260 ha... Nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện thuận lợi cho chuột, ốc bươu vàng phát triển và gây hại trên đồng ruộng khiến người nông dân chồng chất nỗi lo.
Cũng theo tính toán của Cty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị trong phương án chống hạn, diện tích thiếu nước tưới cần phải chuyển đổi cây trồng là khoảng 763ha; trong đó có 356,7ha thiếu nước do các hồ không đủ nước để tưới và 407,1ha thiếu nước do các sông suối bị cạn kiệt không đủ nguồn nước để bơm tưới. Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, khắc phục tình trạng thiếu nước và cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, tỉnh Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp chống hạn như đắp đập tạm để trữ và dâng cao mực nước bơm tưới cho lúa; đắp các đập ngăn mặn; điều tiết nguồn nước từ các hồ; triển khai nạo vét một số đoạn trên sông, kênh mương thủy lợi; lắp đặt các trạm bơm dã chiến... Đồng thời, tiến hành không sản xuất hoặc chuyển đổi sang các giống cây ngắn ngày như: lạc, đậu xanh, dưa hấu, mướp đắng.
|
Ruộng đồng nứt nẻ vì thiếu nước.
|
Trong đợt kiểm tra ứng phó với hạn hán và nắng nóng mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, các ngành chức năng, địa phương phải kiểm tra toàn bộ hồ đập giữ nước ngọt; khẩn trương xử lý những nơi bị rò rỉ, chống mất nước; điều tiết, phân phối nước hợp lý, thực hiện tưới nước tiết kiệm và khoa học; đồng thời đóng kín các cống ngăn mặn, giữ ngọt cuối các sông không cho mặn xâm nhập vào nội đồng... Nhằm kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán đang xảy ra và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, Sở NN&PTNT tỉnh đã có kiến nghị UBND tỉnh trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn và xâm nhập mặn vụ hè thu năm 2019 với tổng kinh phí 100 tỉ đồng. Mỗi ngày, dưới cái nắng gay gắt và luồng nóng gió Lào khô, bà con nông dân Quảng Trị vẫn nỗ lực khơi thông nội đồng, gian nan chắt chiu những giọt nước quý giá về cho ruộng đồng.
BẢO HÀ