Xuất phát từ thực tế trên, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Nhờ vậy, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy mô mạng lưới trường, lớp học được tổ chức, sắp xếp lại từng bước hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Các hình thức tổ chức, phương pháp dạy, học được đổi mới. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng giáo dục đại trà duy trì ổn định. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo được tăng cường. Tuy vậy, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đào tạo nhân lực thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc ít được chú trọng. Cơ sở vật chất một số trường, lớp còn thiếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới giáo dục. Năng lực quản lý, tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa cao.
Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong thời gian tới, cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trước hết, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngành giáo dục và đào tạo cần tích cực tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy, học; gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động; phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; Chú trọng giáo dục đạo đức, hiểu biết về lịch sử dân tộc và kỹ năng sống cho học sinh. Các ngành, các cấp và toàn xã hội cần nhận thức đúng vai trò, vị trí đối với công tác giáo dục và đào tạo; quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngành giáo dục và đào tạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. H.Bốn