Quảng Trị với việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016, của BCH Trung ương khóa XII 

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 12/12/2006, của Tỉnh ủy (khóa XIV) về đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông – Tây, Chương trình hành động số 34 -CTHĐ/TU, ngày 22/5/2007, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị (khóa XIV) về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 05/2/2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013, của Bộ Chính trị (khóa XI), về hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, đến nay tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đạt kết quả khá tích cực.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo[1]. Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Công tác phổ biến kiến thức, định hướng dư luận xã hội, nâng cao hiểu biết và nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nhân và Nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế được quan tâm thực hiện. Công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thu được những kết quả quan trọng, đưa công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Trị đến với bạn bè trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng sức mạnh tổng hợp; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ nguồn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Năng lực đội ngũ cán bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động kinh tế đối ngoại được nâng lên một bước. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh có bước trưởng thành.

Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế và cơ quan liên quan tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng tại địa phương[2]. Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển với các đối tác truyền thống; chủ động, tích cực cải thiện quan hệ với các đối tác mới, nhất là đối tác đầu tư đến từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế có uy tín[3].

Công tác vận động, xúc tiến và thu hút đầu tư đạt kết quả khá[4]. Năm 2016, tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Quảng Trị, với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng mức đầu tư 10.209 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư chiến lược đang kết nối, nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh[5]. Ngày 22/3/2017, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ với tập đoàn Sembcorp về việc nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP 8) tại Quảng Trị. Trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, tỉnh có 05 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại Lào với tổng số vốn đăng ký là 167 triệu USD[6].

Quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt với các tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) tiếp tục được củng cố và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, quốc phòng an ninh... Mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa với các tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây[7]. Hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên tuyến biên giới của tỉnh[8]. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn biên giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế có mặt chưa được sâu rộng, kịp thời. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về hội nhập quốc tế. Môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Quảng Trị chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Công tác dự báo, nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, chiến lược để tranh thủ thời cơ, đón đầu các làn sóng đầu tư, chủ động đối phó với các thách thức trong tiến trình hội nhập chưa thực hiện hiệu quả. Chưa xây dựng được kênh thông tin giới thiệu, liên kết, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp nước ngoài. Việc xác định sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xây dựng và quảng bá thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá… chưa được quan tâm đúng mức; hiểu biết và khả năng tiếp cận thị trường thế giới và luật pháp quốc tế của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu. Bộ máy các cơ quan làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới, sự phối hợp công tác chưa đồng bộ. Khối lượng hàng hóa và kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay những năm gần đây giảm so với trước.

Bước vào giai đoạn mới, tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta đang chuyển sang cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn. Việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế mới có thể mang lại những cơ hội to lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, xã hội, về vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn. Các cơ hội và thách thức có mối quan hệ tác động qua lại và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội có thể trở thành thách thức nếu không được tận dụng kịp thời. Thách thức có thể biến thành cơ hội nếu chúng ta chủ động ứng phó thành công. Quá trình hoạch định, triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần phải được đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, cân nhắc các lợi thế, cơ hội, dự báo các khó khăn, thách thức nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả cao nhất các cơ hội mở ra từ hội nhập phục vụ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hạn chế thấp nhất các tác động bất lợi ảnh hưởng đến an ninh chính trị, giữ vững môi trường hòa bình.

Để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016, của BCH Trung ương khóa XII có hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, thiết nghĩ các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục làm tốt công tác học tập, nghiên cứu Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và nội dung hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế. Trang bị những kiến thức cơ bản, các văn bản pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước. Nâng cao hiểu biết của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đội ngũ làm công tác đối ngoại, đội ngũ doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế, về cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động, kịp thời phát hiện đấu tranh với các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân; khuyến khích và tạo điều kiện cho việc phát triển doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư ra nước ngoài. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Triển khai thực hiện tốt bộ chỉ số cải cách hành chính, bộ chỉ số đánh giá hiệu quả của bộ phận một cửa, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Tổ chức đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu các chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai minh bạch; tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và khởi nghiệp doanh nghiệp. Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực và thị trường cho doanh nghiệp.

Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, một lực lượng nòng cốt trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Quản lý tốt việc hình thành và hoạt động của các tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về khởi nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017, của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Đảm bảo cho doanh nghiệp bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, thị trường, cơ hội kinh doanh.

Xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu, sáp nhập, mở rộng quy mô để hình thành các doanh nghiệp lớn; đủ sức vươn ra thị trường thế giới và cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp trong tỉnh. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư sang Lào, trong đó chú trọng hai tỉnh có quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Trị là Savannakhet và Salavan. Thông qua kênh chính trị và ngoại giao đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh có hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.

Thứ ba, tăng cường các liên kết kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị với các tỉnh có chung đường biên giới. Định vị lại tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh Quảng Trị trong mối liên kết với các tỉnh trong khu vực miền Trung và cả nước, với các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông – Tây; xác định các ưu thế khác biệt, lợi thế so sánh nổi trội để từ đó điều chỉnh lại định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với xu thế hội nhập.

Đổi mới phương thức liên kết, phối hợp với các tỉnh trong khu vực và các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong xây dựng các cơ chế phối hợp, chương trình hành động trên nguyên tắc đồng thuận, hợp tác cùng có lợi nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng và thế mạnh của vùng và mỗi tỉnh trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Gia tăng dòng chảy hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông – Tây, từng bước đưa Quảng Trị trở thành điểm kết nối các hình thức vận tải đa phương thức, nơi trung chuyển hàng hóa giữa Thái Lan, các nước ASEAN khác với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc).

Thực hiện có hiệu quả thỏa thuận cấp cao ký kết giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào), đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Chú trọng mở rộng và tăng cường hợp tác với địa phương các nước trong khu vực có nhiều nét tương đồng về văn hóa và lịch sử.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như sân bay, cảng biển, cửa khẩu, các khu công nghiệp, các trung tâm logistics... tạo điều kiện, tiền đề và cơ sở cho thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế.

Thứ tư, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết tốt các vấn đề môi trường; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Xây dựng kế hoạch dài hạn và các giải pháp vận động, thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế. Thành lập Ban quản lý dự án ODA chuyên nghiệp trực thuộc UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dự án, nâng cao chất lượng dự án, hiệu quả công tác vận động, triển khai các dự án ODA. Xây dựng danh mục dự án phù hợp, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam.

Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiên quyết thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư.

Giữ vững và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương Quảng Trị; xây dựng văn hóa trong kinh tế, khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa; nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm đặc trưng của Quảng Trị. Chủ động phối hợp với các địa phương trong khu vực và các nước tổ chức các chương trình để giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương và học hỏi các nét văn hóa của các địa phương bạn để làm giàu thêm văn hóa của địa phương mình.

Thứ năm, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế cho các ngành, các địa phương và doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Rà soát các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện tốt các cam kết quốc tế đã ký kết song song với việc chuẩn bị tốt cho việc bảo vệ lợi ích của tỉnh trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh, thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020 tầm nhìn 2030; đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, kiểm tra, giám sát các hoạt động hội nhập quốc tế hiệu quả, thống nhất, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến thực hiện hội nhập quốc tế. Nghiên cứu cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh theo hướng tiếp cận chuẩn đào tạo nghề của các nước ASEAN, có các chương trình đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động. Chú trọng phổ cập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong các cấp học và đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ sáu, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế với tăng cường công tác giáo dục, nâng cao cảnh giác cách mạng trước những âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá đất nước ta. Chủ động, tỉnh táo, đấu tranh kịp thời với những âm mưu thông qua hội nhập kinh tế quốc tế để xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, áp đặt về chính trị đối với nước ta.

Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; các dự án, công trình kinh tế trong các khu vực phòng thủ phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế khi đến Quảng Trị.

                                                                                                                                                                                   Lê Thế Quảng

[1] Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 31-KL/TU ngày 01/11/2013 tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 12/12/2006. Năm 2016, tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban chỉ đạo Hội nhập Quốc tế tỉnh bao gồm 03 Ban Hội nhập quốc tế: Ban Hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; Ban Hội nhập quốc tế về kinh tế; Ban Hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo (thay thế Ban Hội nhập và Hợp tác kinh tế quốc tế tỉnh được thành lập năm 2004) ...

[2] Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây năm 2010, Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan về EWEC và Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012,… Lễ khai trương cửa khẩu quốc tế La Lay; tổ chức khai trương mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavanh.

[3] Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có quan hệ với trên 15 đơn vị hành chính đồng cấp của nước ngoài, gần 60 tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài và liên chính phủ, 20 nhà tài trợ quốc tế.

[4] Vốn ODA thực hiện 5 năm 2011 - 2015 khoảng 208 triệu USD; số lượng dự án ODA thực hiện gấp 1,17 lần so với 5 năm 2006 - 2010; vốn huy động từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ước đạt gần 63 triệu USD; trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 14 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 46,65 triệu USD.

[5] Như: Tập đoàn Sembcorp và Tập đoàn Kinder World (Singapore), Tập đoàn Amata (Thái Lan), Tập đoàn điện lực quốc gia Thái Lan (Egati), Tập đoàn Gazprom (CHLB Nga) và một số công ty nước ngoài có tiềm năng khác.

[6] Trong đó có một số dự án lớn như: Công ty TNHH Lào Việt Ren đầu tư dự án cung cấp các dịch vụ khảo sát thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dịch vụ thi công xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng tại tỉnh Attapeu với tổng mức đầu tư dự án: 84.561.682 USD tương đương gần 1.776 tỷ đồng. Dự án đầu tư trồng cây cao su tại tỉnh Salavan của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị có tổng vốn đầu tư: 9.671.430 USD tương đương 203,1 tỷ đồng.

[7] Ba tỉnh Quảng Trị - Savannakhet – Mukdahan đã luân phiên  hàng năm tổ chức các Hội nghị, diễn đàn về hợp tác kinh tế, tỉnh Quảng Trị đã hợp tác với các trường Đại học vùng Đông Bắc Thái Lan đưa học sinh, sinh viên sang đào tạo tiếng Thái và đào tạo Đại học, sau Đại học một số chuyên ngành. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức, học sinh các tỉnh Savannakhet và Salavan.

[8] Thực hiện cắm 31/35 vị trí cột mốc trên toàn tuyến Quảng Trị -  Savannakhet và 31/33 vị trí cột mốc trên toàn tuyến Quảng Trị - Salavan.

2620 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 653
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 653
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87027719