|
Quảng Trị hiện có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. |
Tại Quảng Trị, ngày 17/10/2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 -2020 với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Theo số liệu khảo sát, Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 3 sản phẩm, nhóm thảo dược có 6 sản phẩm, nhóm vải, may mặc có 1 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 3 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 1 sản phẩm. Bên cạnh đó, Quảng Trị hiện có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP. Hiện có 5 sản phẩm có doanh thu trên 20 tỉ đồng/năm gồm: Nước mắm, bún bánh, cá hấp, ném củ và cao dược liệu.
Trong năm 2018, tỉnh đã triển khai 3 dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm thực hiện chương trình OCOP với kinh phí hơn 556 triệu đồng. Ngoài ra còn có các chương trình, dự án lồng ghép của các sở, ngành, địa phương như hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, hỗ trợ thiết bị, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, các dự án phát triển sản xuất.
Khó khăn nhất hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP là đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu ở trong nước, một số sản phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào. Số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây chính là hạn chế lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chương trình OCOP bởi vai trò kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX rất quan trọng trong triển khai mô hình này…
Với mục tiêu tạo đột phá trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị đã xác định phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, triển khai chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm, hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 20 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương, phát triển mới khoảng 3-5 sản phẩm. Trong năm 2019 phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 -5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 4 - 5 sao cấp quốc gia.
|
Việc triển khai thành công chương trình OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân… |
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Tỉnh hiện có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường và phát triển mang tính hàng hóa. Tuy nhiên, đa số sản xuất thủ công, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu và còn khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Do đó, năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương hoàn thiện bộ máy tổ chức, tiếp tục triển khai chương trình OCOP từ tỉnh đến xã. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, tạo cho các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân…