QUẢNG TRỊ VỚI CÔNG TÁC ĐẾN ƠN ĐÁP NGHĨA, CHĂM SÓC NGƯỜI CÓ CÔNG CÁCH VỚI CÁCH MẠNG 

Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; nơi từng được coi là “trọng trấn” là “trấn biên” là “phên dậu” là “cửa ngõ” phía Nam của Tổ quốc; là “tiêu điểm” ác liệt của các cuộc chiến tranh ái quốc. Quảng Trị trở thành một “Bảo tàng chiến tranh cách mạng” biểu hiện đầy đủ và sinh động nhất cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; là xứ sở của những kỳ tích, chiến công huyền thoại của một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của dân tộc.

Chiến tranh đi qua để lại cho Quảng Trị biết bao đau thương mất mát; sự tàn phá khốc liệt của đạn bom đã biến đất đai, ruộng vườn, núi đồi, làng quê, phố xá… thành “vành đai trắng”; chỉ một thị xã Quảng Trị, trong 81 ngày đêm năm 1972[1] kẻ địch đã dội xuống mảnh đất này một khối lượng bom đạn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản năm 1945. Một địa phương đất không rộng, người không đông như Quảng Trị nhưng có đến 72 nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang Liệt sĩ cấp quốc gia, đó là nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và nghĩa trang Liệt sĩ đường Chín ; 7 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 60 nghĩa trang Liệt sĩ cấp xã và 3 nghĩa trang Liệt sĩ cấp thôn quản lý với trên 60 vạn mộ Liệt sĩ. Một số nghĩa trang Liệt sỹ cấp xã nhưng cũng có gần 2.000 mộ liệt sĩ; có xã có đến 03 nghĩa trang….Toàn tỉnh có 19.172 liệt sỹ, 11.805 thương binh, 2.242 bệnh binh, 2.786 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 77.400 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, 14.631 người có công với nước, 5.064 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Quảng Trị là một trong số ít địa phương có số lượng thương binh, Liệt sỹ và người có công với nước khá lớn, (chiếm tỷ lệ 19,43%) so với dân số trong toàn tỉnh.

 Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây"; quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã xem công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng; tập trung chỉ đạo; đã chủ động ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch về lĩnh vực này; phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với 5 chương trình tình nghĩa, đó là: Chương trình xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; Chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chương trình chăm sóc bố mẹ, vợ Liệt sỹ già yếu cô đơn, phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và đỡ đầu con Liệt sỹ.  

  Từ năm 2012 đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã tập trung rà soát, xác nhận mới 9.800 hồ sơ người có công; trong đó, đã xác nhận mới 280 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; xác nhận 150 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; xác nhận, suy tôn 83 Liệt sĩ; xác nhận và giải quyết trợ cấp 12 trường hợp hưởng chính sách như thương binh; 199 bệnh binh, 5.064 trường hợp người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.570 hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.642 hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; giải quyết 623 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng; phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.430 bà mẹ. 

Thông qua phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", từ năm 2012 - 2020, toàn tỉnh đã vận động được trên 96 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở và chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách… trong đó xây mới 1.920 nhà tình nghĩa và sửa chữa 387 nhà. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 1.230 nhà ở cho người có công với số tiền 49,2 tỷ đồng và hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 3.245  nhà ở cho người có công với số tiền 64,9 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ Liệt sỹ, thương binh các hạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát; 99% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2020 không còn hộ gia đình người có công thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ngoài hỗ trợ xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân, tỉnh Quảng Trị còn vận động phụng dưỡng 100% bà mẹ VNAH còn sống, mức phụng dưỡng bình quân 1.200.000 đồng/bà mẹ/tháng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các và cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tặng 5.578 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng trị giá trên 1,340 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc người có công và thân nhân được quan tâm thực hiện. Theo đó, mỗi năm có trên 7.680 lượt người có công được điều dưỡng, trong đó điều dưỡng tập trung gần 1.000 lượt người. Hàng năm, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều đoàn người có công ra thăm thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác, thăm các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử của đất nước. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm khám sức khoẻ, cấp thuốc điều trị chữa bệnh cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh...

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm không chỉ chăm sóc tốt người có công còn sống mà luôn phải có trách nhiệm hơn nữa với con em của 52 tỉnh thành trên cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình để góp sưởi ấm cho gia đình các thân nhân Liệt sĩ. Các ngày lễ, tết cán bộ và nhân dân đều đến dâng hoa, dâng hương tại phần mộ các Liệt sĩ ở các nghĩa trang. Ngày thường các thế hệ thanh niên, học sinh ở các trường học cùng nhiều người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh tự nguyện đến dâng hương, dâng hoa, làm vệ sinh tại nghĩa trang Liệt sĩ với lòng thành kính. 

Tỉnh Quảng Trị là địa phương duy nhất trong cả nước có mô hình Trung tâm đón tiếp thân nhân Liệt sĩ. Hàng năm, Trung tâm này đón tiếp chu đáo hàng nghìn lượt thân nhân Liệt sĩ đến thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang. Cùng với ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã huy động xã hội hóa xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang thêm tôn nghiêm, sạch sẽ. Giai đoạn từ năm 2012-2020,  đã đầu tư gần 212 tỷ đồng cho công tác mộ, nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó: Nguồn vốn chung tay chăm sóc nghĩa trang do các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là 100,850 tỷ đồng.

 Cùng với đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sỹ luôn được đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2012 -2020 đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 741 mộ Liệt sĩ, trong đó quy tập từ nước bạn Lào 180 mộ, trong tỉnh là 561 mộ. Hàng năm, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ như: Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội tri ân tháng 7, Lễ hội “Đêm hoa đăng” tưởng niệm Liệt sĩ trên sông Thạch Hãn... đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và nhân dân trong cả nước; qua đó góp phần giáo dục truyền thống Cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, nhân lên niềm tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

     [1]  Từ ngày 28/6-16/9/1972

1012 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 780
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 781
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76812207