Quảng Trị với các giải pháp thu hút nguồn lực phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây  

Hành lang Kinh tế Đông - Tây ra đời theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản từ năm 1998 với mục đích nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma. Phần tuyến hành lang trên lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) qua Đông Hà đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) dài khoảng 250 km.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng  Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN”, “Đẩy mạnh hợp tác qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Đây là những điều kiện và cơ hội thuận lợi để các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng mở rộng không gian liên kết trong phát triển về phía Tây.

Để kết nối hành lang này, tỉnh Quảng Trị hiện đang tích cực thực hiện dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng nước sâu Mỹ Thủy, xúc tiến đầu tư cảng hàng không Quảng Trị, đường 15D kết nối cảng Mỹ Thủy và cửa khẩu quốc tế La Lay, cao tốc Cam Lộ - Lao bảo và một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác để tạo sự đồng bộ và phát huy hiệu quả tiềm năng liên kết vùng cả ở hai trục Đông - Tây và Nam - Bắc. Trong khả năng của mình, tỉnh cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào) xây dựng “Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan”, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam và Lào để trình hai Chính phủ đưa vào Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào. Vận động các doanh nghiệp Singapore tài trợ giúp các tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasak của Lào xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng giúp cho các tỉnh khu vực Trung và Nam Lào đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng về khoáng sản, nông nghiệp, du lịch và cũng là mở rộng không gian phát triển cho Quảng Trị và một số tỉnh trong khu vực thông qua dòng chảy hàng hóa và khách du lịch qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay.

Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế, hợp tác sâu rộng với các nước trên hành lang kinh tế Đông Tây; thường xuyên tổ chức các hội nghị cấp cao, ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với các tỉnh Salavan, Savannakhet (Lào), Mukdahan (Thái Lan). Trong tháng 8/2023, hội nghị  "Gặp gỡ Thái Lan" lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch. Điểm nhấn là thảo luận về hai chủ đề "Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao" và "Hội nhập chuỗi cung ứng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây". Đây là 2 định hướng lớn, đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các bên nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đất nước, các địa phương.

Mặc dù có nhiều tiềm năng trong việc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, khai thác, phát triển các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế quốc tế này; tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương dọc Hành lang hầu hết còn nghèo, trình độ phát triển thấp, thiếu vốn, thiếu công nghệ; xa cách về mặt địa lý và xa các trung tâm, đô thị phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông còn kém phát triển, thiếu đồng bộ, cơ chế phối hợp giữa các địa phương trên toàn tuyến vẫn còn yếu. Quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển còn hạn chế, chưa mang tính đồng bộ và bền vững. Nhằm phát huy lợi thế tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ; Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 58-CTr/TU ngày 313/2023 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động (kèm theo Quyết định số 835/QĐ-UBND ngày 28/4/2023) triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP. Vì vậy, để thu hút nguồn lực để phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định Quy hoạch và chủ trương chính sách đi trước một bước: Hiện nay tỉnh hoàn thiện các bước cuối cùng để trình thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý để tỉnh triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan; xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội để huy động nguồn lực đầu tư phát triển các hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc - Nam dọc theo Quốc lộ 1; hành lang đường bộ cao tốc; hành lang Đông Tây (tuyến Đông Hà - Lao Bảo; hành lang Para-EWEC: La Lay – Mỹ Thủy) và hành lang biên giới.

Tập trung hoàn thiện Đề án Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavẳn (Savannakhet) và sớm đưa Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavan (Savannakhet) vào vận hành cuối năm 2024.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định việc phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông Tây qua cửa khẩu Lao Bảo và hình thành tuyến hành lang kinh tế qua cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy, kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây, triển khai các công trình giao thông quan trọng, huyết mạch, tạo hiệu ứng lan tỏa và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến đầu tư để kêu gọi vốn thực hiện các dự án cảng hàng không Quảng Trị, cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, tuyến đường bộ 15D nối cửa khẩu La Lay với cảng biển Mỹ Thủy. Trong đó việc hình thành cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sẽ tạo kết nối liên hoàn từ cửa khẩu Lao Bảo đến cảng quốc tế Đà Nẵng. Vì vậy, cần tích cực kêu gọi nguồn lực, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện để sớm đưa các dự án đi vào vận hành, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tham gia chuỗi giá trị sản xuất của khu vực và quốc tế. Khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió, điện khí, điện mặt trời,…; Công nghiệp chế biến nông - lâm (đặc biệt là gỗ) - thuỷ sản, chế biến dược liệu; Công nghiệp cơ khí, chế tạo và luyện kim; công nghiệp silicat; khai thác tốt các mỏ đá xi măng đã được Bộ Xây dựng quy hoạch dọc Quốc lộ 9... Tập trung phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (công nghiệp dệt may) và công nghiệp hỗ trợ (Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp dệt may, da giày; Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại; Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, phân phối và dịch vụ ngành điện). Thực hiện các giải pháp phát triển thương mại bền vững trên nền tảng đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặt trong phát triển của vùng, khu vực, tạo tính kết nối mạnh mẽ dựa trên lợi thế từng vùng trong ngành dịch vụ logistics, thương mại. Huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu kinh tế Đông Nam, khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay. Nâng cao chất lượng hoạt động và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu và tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Trị, thu hút các dự án phù hợp, đúng quy hoạch.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị. Chú trọng du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; trọng tâm là phát triển tam giác đô thị du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển phía Nam Cửa Việt. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu, tương tác với cộng đồng để hỗ trợ phát triển du lịch. Tổ chức thành công Lễ hội Vì hòa bình tại tỉnh Quảng Trị, tạo thương hiệu điểm nhấn du lịch cho tỉnh, góp phần xây dựng Quảng Trị trở thành không gian văn hóa vì hòa bình của miền Trung.

Thứ ba, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư: Tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong ba khâu quan trong để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính. Tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá; tạo bước chuyển biến mới về môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thu hút đầu tư FDI theo hướng có chọn lọc, ưu tiên những ngành có công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng tài nguyên, thân thiện môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường… để huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực này. Mở rộng các hình thức đầu tư đối tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản. Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đầu tư. Rà soát, thu hồi các dự án đầu tư không triển khai hoặc không thực hiện theo đúng cam kết nhằm bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn mới cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng cao; tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đào tạo nghề cho toàn bộ khu vực, cung cấp ra thị trường lao động cho toàn vùng và trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tăng cường trao đổi, hợp tác đào tạo với các tỉnh bạn Lào theo chủ trương của Trung ương. Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện mở rộng ngành nghề đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung khai thác các yếu tố tự nhiên sẵn có, đánh thức tiềm năng về con người, các lợi thế, tiềm năng, các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, không gian liên kết với các các tỉnh, thành phố; liên kết chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước và khu vực; tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan ban ngành Trung ương, bạn bè trong nước và quốc tế, nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Quảng Trị thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2023 và là điểm kết nối, cửa ngõ ra biển của các nước trên hành lang kinh tế Đông – Tây. Thanh Lan

186 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1287
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1287
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84186801