Hội thảo khoa học “Vĩnh Linh truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển” đã nhận được trên 50 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Vĩnh Linh; các học giả, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các tham luận gửi đến Hội thảo đã khắc họa đậm nét một giai đoạn lịch sử gian lao nhưng rất đổi hào hùng của Vĩnh Linh lũy thép, lũy hoa và những di sản đồ sộ, giàu sức sáng tạo trong đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển quê hương sau 70 năm qua, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề cơ bản, cốt lõi:
TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, LỊCH SỬ, VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI VĨNH LINH
Từ xa xưa, Vĩnh Linh là một phần giang sơn của Bộ Việt Thường, một trong 15 Bộ của nước Văn Lang. Qua những biến cố của lịch sử, mảnh đất này có tên gọi là Châu Ma Linh, rồi đến Minh Linh (1065), Chiêu Linh (1885) và Vĩnh Linh từ năm 1889 cho đến bây giờ. Con người Vĩnh Linh thông minh, cần cù, sáng tạo và đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, khát khao vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân Vĩnh Linh bao đời chung lưng đấu cật để chế ngự thiên nhiên, khuất phục thú dữ… Dù ở vào hoàn cảnh lịch sử nào, con người nơi đây vẫn giữ được cốt cách trung dũng, kiên cường, không lùi bước trước gian nan thử thách, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, quyết tử cho Tổ quốc trường sinh. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã sớm quyết định xây dựng Chiến khu Thủy Ba (1947), triển khai các chủ trương “Hạ sơn”, “Rào làng chiến đấu”... Xã Vĩnh Hoàng được Bác Hồ gửi thư khen và được Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Chiến thắng Hạ Cờ - Chấp Lễ năm 1950 của quân dân Vĩnh Linh đã làm nức lòng quân dân cả nước.
Sau Hiệp định Giơnevơ, nước ta tạm thời chia làm 2 miền, vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Huyện Vĩnh Linh ở phía Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng và cùng với miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai đã phá bỏ Hiệp định Giơnevơ, tiến hành chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là đặc khu trực thuộc Trung ương.
Trực tiếp đối mặt với quân xâm lược, hơn 20 năm chia cắt, quân và dân Vĩnh Linh đã làm nên bao huyền thoại trên mảnh đất tuyến lửa. Bằng sự can trường và lòng dũng cảm, quân dân Vĩnh Linh phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi “pháo đài bay” B.52 đầu tiên trên bầu trời Việt Nam. Quân và dân trên địa bàn Vĩnh Linh đã bắn rơi 293 máy bay các loại, 7 “pháo đài bay” B.52, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến. Có trận chỉ trong 1 ngày (11/11/1966), Vĩnh Linh bắn rơi tại chỗ 6 máy bay, bắt nhiều giặc lái, buộc Tổng thống Mỹ phải thừa nhận là “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Vĩnh Linh anh dũng hy sinh, cảm tử mở đường máu tiếp viện, bảo vệ đảo Cồn Cỏ trong vòng vây lửa đạn của địch.
Chiến tranh hủy diệt tàn khốc, Vĩnh Linh phải lùi sâu vào lòng đất để bám trụ chiến đấu. Cả Vĩnh Linh đã đào 114 địa đạo với 3.759.270 mét khối đất đá, tạo nên những làng hầm dọc ngang trong lòng đất. Năm 1967, Đặc khu Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được Bác Hồ ký Quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Sau, ngày đất nước thống nhất, người Vĩnh Linh luôn nỗ lực sáng tạo trong xây dựng quê hương. Từ một vùng quê bị chiến tranh hủy diệt nặng nề, Vĩnh Linh từng bước xây dựng lại cơ đồ, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội không ngừng tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và ngày càng nâng cao.
VĨNH LINH - 70 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
70 năm sau ngày Vĩnh Linh được hoàn toàn giải phóng, Vĩnh Linh lũy thép đã hồi sinh mạnh mẽ sau lửa đạn chiến tranh. Với hai bàn tay trắng, bằng ý chí và nghị lực, những người con kiên cường, anh dũng của Vĩnh Linh bắt tay gây dựng lại quê hương. Mười ba năm cùng các huyện Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải, cho đến ngày được lập lại vào tháng 5/1990, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh, huyện bạn, Vĩnh Linh đã nhanh chóng ổn định đời sống và tổ chức sản xuất, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, khai hoang phục hóa đưa hàng ngàn hécta ruộng, đất vào sản xuất. Từ ngút trời lửa đạn, khói bom, từ trong những đống đổ nát hoang tàn, vùng đất Vĩnh Linh đã từng ngày thay đổi diện mạo, hồi sinh, vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Quảng Trị.
Nền kinh tế liên tục ổn định và phát triển, năm 2023, GRDP tăng 15,1% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 59,4 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 173,3 tỷ đồng, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm ước đạt 2.673 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 42.177 tấn. Đến cuối năm 2023 toàn huyện có 431 doanh nghiệp, 7.030 hộ kinh doanh cá thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%, hơn 99,8% người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và hơn 97,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, đến tháng 6/2024, huyện Vĩnh Linh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 59 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Vĩnh Linh đã được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Châu Minh)
TIỀM NĂNG, LỢI THẾ VÀ KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA HUYỆN VĨNH LINH
Vốn là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống anh hùng, Vĩnh Linh có trên 180 di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa các cấp, trong đó có nhiều di tích đặc biệt cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia và trên 160 di tích cấp tỉnh. Vĩnh Linh mang trong mình sứ mệnh là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, những địa danh này đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khát vọng xây dựng quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau. Vì vậy, du lịch văn hóa - lịch sử chính là một trong những thế mạnh, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách muốn tìm hiểu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam.
Ngoài du lịch văn hóa - lịch sử, Vĩnh Linh còn có tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch khám phá, trải nghiệm. Với bờ biển dài gần 40km, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Vĩnh Linh nhiều bãi biển đẹp, như biển Vĩnh Thái, biển Cửa Tùng …. Vĩnh Linh sở hữu nhiều khu rừng nguyên sinh, danh thắng tự nhiên với diện tích lớn, hệ thực vật, động vật đa dạng, phong phú, là lựa chọn của nhiều du khách yêu thích du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá vẻ hoang sơ của thiên nhiên đến tham quan, dã ngoại, nhất là giới trẻ.
Với đặc điểm điều kiện tự nhiên đa dạng, địa hình tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi cho sản xuất lương thực, nhất là sản xuất lúa và phát triển toàn diện nền nông nghiệp hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đánh giá những tiềm năng, lợi thế và khả năng thu hút đầu tư, nhiều bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo bộ, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp mang tính định hướng tương lai để Vĩnh Linh thu hút đầu tư, phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Kết quả Hội thảo một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng; làm rõ hơn truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Vĩnh Linh và những đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào về dân tộc, về quê hương cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân Quảng Trị nói chung, cán bộ, đảng viên, Nhân dân huyện Vĩnh Linh nói riêng; tri ân và tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất xây dựng quê hương; rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Châu Minh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị
https://www.tuyengiao.vn/quang-tri-vinh-linh-truyen-thong-anh-hung-va-khat-vong-phat-trien-155972