Nhiều quán ăn trên QL1A đoạn tiếp giáp giữa hai tỉnh đang điều chỉnh bảng hiệu, xóa địa chỉ cũ
Phân chia rạch ròi
Theo tìm hiểu, vào năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã được sáp nhập thành một tỉnh Bình Trị Thiên. Theo Quyết định ngày 30/6/1989 của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5, ba tỉnh này lại được tách ra như cũ. Tuy nhiên từ đó đến nay, địa giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn nhập nhằng, chưa được phân chia rõ ràng.
Khi vấn đề phân định địa giới hành chính vẫn chưa được giải quyết, nhiều việc rắc rối đã xảy ra. Đơn cử như giữa tháng 9/2018, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình đường giao thông, chiều dài khoảng 6 km, từ thôn 7 (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới) lên biên giới tại cột mốc 639. Việc khởi công ở khu vực đang tranh chấp địa giới hành chính gây mâu thuẫn giữa bà con dân tộc thiểu số của 2 xã Hồng Thủy và xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại khu vực biên giới. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương cho tạm dừng thi công công trình tại khu vực đang tranh chấp.
Trở về QL1A, tuy là một thôn của xã Hải Xuân, nhưng mỗi lần có công việc lên xã, người dân của thôn Tân Xuân phải đi quãng đường gần 30 km, vòng qua nhiều xã của huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) mới đến được xã của mình. Làm giấy khai sinh cho con hay xác nhận một giấy tờ gì đều rất khó khăn.
Chuyện khôi hài về địa giới hành chính này đã khiến cho nhiều hộ dân muốn thuận lợi thì phải nghĩ ra nhiều cách đối phó. Đơn cử như chị Hồ Thị Lành (chủ quán ăn Cố Đô, thôn Tân Lập, xã Hải Ba, Quảng Trị) có hộ khẩu ở xã Hải Ba nhưng chồng lại có hộ khẩu tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Các con hộ khẩu theo cha và được học ở Huế còn thuế quán ăn nộp ở Quảng Trị. Không chỉ gia đình chị Lành mà nơi đây có cả chục hộ hoàn cảnh tương tự...
Lãnh đạo Huế và Quảng Trị trao đổi nội dung liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh
Hai khu vực được nêu trong Nghị quyết của Chính phủ bao gồm: khu vực giáp ranh giữa xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) và xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị); Khu vực thôn Câu Nhi giáp ranh giữa các xã Phong Thu, Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và các thôn Tân Lập, xã Hải Ba, Phú Xuân B xã Hải Xuân, Phú Kinh Phường xã Hải Hòa, Câu Nhi xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Nghị quyết nêu rõ, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Quảng Trị xác định cụ thể đường địa giới hành chính trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để quản lý.
Căn cứ đường địa giới hành chính đã được xác định tại thực địa và trên bản đồ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7) thuộc xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện bàn giao để tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Phú Xuân B (Tân Xuân), xã Hải Xuân và thôn Phú Kinh, xã Hải Hòa (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai tỉnh này có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Những đơn vị trên phải hoàn thành việc xác định địa giới hành chính tại hai khu vực do lịch sử để lại trong năm 2019.
Người dân đồng tình
Khi biết tin địa giới sẽ được phân chia cụ thể, ông Hồ Văn Nghệ (52 tuổi, ngụ xã A Bung, huyện Đakrông) tỏ ra rất vui mừng vì xưa nay dù ở hai xã của hai tỉnh khác nhau nhưng hai bên đều có quan hệ thân tộc.
“Vì chưa phân chia cụ thể nên có nhiều rắc rối như vào tháng 10/2018, 4 thành viên của tổ bảo vệ rừng xã A Bung đang ngủ tại chòi thì người dân của làng La Nga và Pi Reh (thôn 7, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới - PV) mang theo rựa và gậy tới. Đoàn người này kéo 4 bảo vệ rừng ra khỏi chòi rồi thiêu rụi toàn bộ chòi gỗ. Vì chưa rõ ranh giới nên người Hồng Thủy cho rằng địa điểm đặt chòi canh bảo vệ rừng nằm sâu trong địa giới hành chính của họ nên mới xảy ra xô xác. Sắp tới nhà nước phân định rõ ràng những chuyện buồn lòng như thế chắc không còn xảy ra nữa”- ông Nghệ tâm sự.
Quán bánh ướt của nhà anh Nguyễn Văn Thừa (47 tuổi) có bảng hiệu ở ngoài đường chính ghi địa chỉ: Phong Điền, Huế nhưng bảng bên trong lại ghi: Hải Lăng, Quảng Trị khiến nhiều người ngạc nhiên. Anh Thừa giải thích do lịch sử để lại, trong gia đình chưa thống nhất mới có chuyện lạ thường như vậy.
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam - Bộ TN&MT làm việc với 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trong việc phân chia địa giới hành chính
“Tôi người Quảng Trị nhưng sống trên đất Huế, cả gia đình không có ai được cấp sổ đỏ cả vì vậy không thể vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng hay bán đất đều không được. Cách đây 3 tháng, tôi mất xe máy nhưng việc trình báo cho công an gặp khó khăn, rắc rối. Mới đây, nghe Chính phủ sẽ cho phân chia địa giới cụ thể khiến gia đình tôi rất vui mừng. Tương lai sắp sang trang khác rồi”, em gái anh Thừa tiếp lời.
Đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bày tỏ thống nhất cao việc triển khai Nghị quyết 31, đồng thời cùng khẳng định hai địa phương đã chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết đến người dân và chuẩn bị kỹ lưỡng về vật tư, thiết bị, nhân lực phục vụ cho việc phân định ranh giới.
“Chúng tôi đã nghe cán bộ tuyên truyền, vận động rất nhiều nên cũng quen rồi. Nếu đổi tên hay đổi địa giới thì cũng có chút buồn. Nhưng cái mới sẽ mở ra niềm vui mới. Ở đâu cũng là con dân của nước Việt thôi mà...”, một người dân huyện A Lưới vui vẻ nói.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đầu tháng 8 vừa qua, ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam - Bộ TN&MT đề nghị hai tỉnh lập ngay 2 tổ công tác chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tổ chức triển khai Nghị quyết 31. Về phía Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ phối hợp với 2 tổ công tác này để xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện. Đồng thời, trong quá trình triển khai, các địa phương, các cấp ngành, cơ quan chức năng liên quan phải cùng phối hợp với Cục để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn và hiệu quả. Cố gắng hoàn thành việc xác định địa giới hành chính giữa 2 tỉnh theo đúng kế hoạch đề ra nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân để yên tâm sản xuất.