Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị trước nhiều cơ hội thay đổi
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; lựa chọn đúng ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người học. Góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 33%.
Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2023 – 2025, hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 30.400 người, bình quân mỗi năm đào tạo 10.133 người. Hỗ trợ đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2023 – 2025 là 810 người. Sau đào tạo ít nhất 85% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Đối tượng đào tạo: Lao động trong độ tuổi lao động trong các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương; lao động tại các cơ cở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản của địa phương; lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong các làng nghề tham gia phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương; chuyển đổi số trong nông nghiệp; người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, lao động trong độ tuổi lao động theo quy định hiện đang làm trong các hợp tác xã nông nghiệp, có nhu cầu học nghề "Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp", có mong muốn bổ sung kiến thức về hợp tác xã nông nghiệp.
Ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi; lao động trong hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật và phụ nữ; hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và người lao động có thu nhập thấp.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, DTTS gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; dầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào DTTS, miền núi; kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
NT