Đi qua Quảng Trị hôm nay, những con đường trải nhựa uốn lượn kết nối các vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, vùng dân cư đông đúc đầy sức sống. Để phục vụ kinh tế, xã hội phát triển ngày càng mạnh, Quảng Trị đang quyết tâm tập trung đầu tư thêm nhiều công trình giao thông trọng điểm.
Những con đường đổi mới quê hương
Tỉnh Quảng Trị có vị trí quan trọng ở khu vực Trung Bộ, được kết nối bởi hạ tầng giao thông khá đầy đủ. Về trục dọc bắc - nam quốc gia có đường sắt, quốc lộ 1, đường Hồ chí Minh, đường cao tốc đi qua, có bờ biển dài hơn 74 km; về trục ngang có quốc lộ 9, từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về đến km 0 tại cảng Cửa Việt và tỉnh đang quy hoạch xây dựng quốc lộ 15D, từ cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy dài hơn 92 km để liên kết được các vùng kinh tế, đô thị của tỉnh.
Cùng với hệ thống quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Trị đến nay, có hơn 8.000 km, trong đó, 20 tuyến tỉnh lộ dài hơn 261 km, đường đô thị dài 871 km, đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm dài hơn 7.000 km. Có mặt tại công trình Đường trung tâm trục - dọc Khu kinh tế đông nam Quảng Trị dài hơn 23 km, chiều rộng 50 m, mặt đường 34 m thảm nhựa láng tạo thêm vóc dáng công nghiệp mới cảm nhận được cơ hội lớn để phát triển khi đường mới đã mở. Con đường chạy từ huyện Triệu Phong, xuyên qua huyện Hải Lăng và điểm cuối là vùng lõi của khu kinh tế này.
Đoạn quốc lộ 1 qua TP Đông Hà, xe container đi chung với các loại phượng tiện rất nguy hiểm.
Đi qua huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh... những con đường trải nhựa uốn lượn giữa những vườn hồ tiêu trĩu quả ; đường bê-tông được xây dựng đến từng ngõ xóm. Nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi nên thương lái tìm về mua nông sản tại vườn, giá cao hơn, thu nhập của người dân cũng từ đó được cải thiện hơn.
Ở những đường liên thôn, bản, xã có suất đầu tư lớn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm kêu gọi các nguồn vốn, vận động nhân dân ủng hộ tiền của, hiến đất giải phóng mặt bằng. Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình huyện 30a, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng đường liên xã Đa Krông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng của huyện Đakrông, dài hơn 20 km, rộng 7,5 m đến 10,5 m và cầu vượt sông Đakrông. Đây là công trình trọng điểm của huyện Đakrông giúp phá thế cô lập của các thôn, bản phía nam sông Đakrông trong mùa mưa lũ, tạo điều kiện bố trí quy hoạch khu dân cư phục vụ di giãn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Công trình tạo ra động lực lớn để nhân dân vùng chiến khu xưa Ba Lòng có thêm niềm tin phát triển kinh tế rừng và gò đồi, góp phần ổn định đời sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, nhờ hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi nên thời gian qua địa phương này phát triển khá mạnh. Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Quảng Trị hoàn thành và hoàn thành vượt mức 24/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Lần đầu tiên sau bảy năm, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,72%. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các chỉ tiêu về kinh tế tăng so cùng kỳ năm trước. Đạt được kết quả này nhờ từ nhiệm kỳ trước lãnh đạo tỉnh luôn xác định kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội cho nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị luôn quyết liệt, sáng tạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, các công trình trọng điểm để tạo điều kiện phát triển mọi mặt.
Chọn giao thông đi trước
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phân tích, tuy cơ sở hạ tầng giao thông khá đồng bộ, nhưng thực tế đã quá tải so nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội hiện tại. Để phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Trị cần đầu tư xây dựng mạnh hơn nữa hạ tầng giao thông; địa phương này chọn chiến lược giao thông đi trước một bước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, hiện nay trên toàn tuyến quốc lộ 1, từ Hà Nội vào thành phố Cần Thơ chỉ còn duy nhất đoạn qua TP Đông Hà, là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, chưa có đường tránh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để giải quyết bức xúc này, tỉnh Quảng Trị đã lập Dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà.
Quốc lộ 9 xuyên qua hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Giai đoạn 1 của dự án đã đầu tư xây dựng đoạn tuyến dài khoảng 5km, công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác bảo đảm tiến độ và chất lượng. Dự án còn lại khoảng 17,3 km chưa được triển khai xây dựng. Để sớm hoàn thành nối thông toàn bộ đường tránh, UBND tỉnh Quảng Trị đã chủ động tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đồng ý giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và bố trí vốn để triển khai trong năm 2020-2021.
Ngoài Dự án đường tránh phía đông TP Đông Hà, Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 15D, từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 92 km. Việc hình thành tuyến đường này có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Khi tuyến đường được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (quốc lộ 9) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nhằm tăng cường việc giao thương hàng hóa, kết nối khu vực bắc trung bộ và ven biển miền trung với khu vực nam Lào, đông - bắc Thái Lan. Tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần đề xuất với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương về dự án này và nhận được sự đồng thuận cao. Việc đầu tư xây dựng quốc lộ 15D được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) rất quan tâm và đưa vào danh mục các dự án triển khai trong giai đoạn 2020-2022, tại biên bản ghi nhớ ngày 12-8-2019 giữa Bộ Kế hoạch đầu tư và ADB.
Thêm một công trình lớn nữa về đường bộ đang được tỉnh Quảng Trị xúc tiến thực hiện, đó là Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển Quảng Trị đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến nam cầu Cửa Việt. Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 434, ngày 18-12-2019; UBND tỉnh Quảng Trị đang triển khai điều chỉnh quy hoạch đường ven biển, nhằm phù hợp tiềm năng phát triển dịch vụ - du lịch và đô thị ven biển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai và lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển tỉnh Quảng Trị, dài khoảng 40 km bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, để triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.
Cũng với tầm nhìn giao thông đi trước một bước, mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã làm việc với Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải về phương án quy hoạch các tuyến đường giao thông quan trọng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ xây dựng mới trục đường có điểm bắt đầu từ quốc lộ 1 (đoạn ga Đông Hà) đi về hướng đông bắc cắt qua sông Thạch Hãn, qua các xã Triệu Độ, Triệu Đại, đi qua các xã Triệu Phước, Triệu An của huyện Triệu Phong và kết thúc giao với điểm đầu đường ven biển qua Khu kinh tế đông nam tại xã Triệu An, dài hơn 11 km, quy mô hoàn thiện dự kiến đường trục chính đô thị tốc độ 80 km/giờ. Ngoài ra còn tuyến đường kết nối Cảng hàng không Quảng Trị đến đường trung tâm Khu kinh tế đông nam…
Không thể thiếu cảng hàng không và cảng biển
Theo đồng chí Võ Văn Hưng, Hội đồng thẩm định cấp bộ vừa bỏ phiếu thống nhất 100% trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị để tỉnh kêu gọi đầu tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030; trong đó, có sân bay Quảng Trị với quy mô đầu tư xây dựng thuộc sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, diện tích sử dụng đất 595 ha. Việc đi lại của du khách đến Quảng Trị ngày càng tăng. Năm 2019, có gần 2,1 triệu lượt khách đến Quảng Trị, tăng bình quân hơn 13%/năm trong 10 năm qua. Cảng hàng không Quảng Trị là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư và đầu tư cụ thể vào khu Kinh tế đông nam; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, kiểm soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền trung và Vịnh Bắc Bộ; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông. Hiện, có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu dự án Cảng hàng không quan trọng này.
Đường giao thông kết nối đến vùng chiến khu xưa Ba Lòng.
Để phát triển mạnh hơn, Quảng Trị đặc biệt chú ý đến hệ thống giao thông đồng bộ từ đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển với hệ thống hạ tầng logistics kèm theo. Với quy hoạch khu bến cảng Cửa Việt hiện nay đã cơ bản được lấp đầy. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của Khu kinh tế đông nam cũng như của cả tỉnh. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận cho phép quy hoạch mở rộng khu bến cảng Cửa Việt về phía thượng lưu cầu Cửa Việt. Với Khu kinh tế đông nam Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng ngày 4-1-2019. Ngày 27-2-2020, Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng khu bến cảng này.
Đồng chí Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, so các tỉnh trong khu vực, Quảng Trị dù đang khó khăn nhưng rất nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xác định giao thông luôn đi trước mở đường cho các ngành kinh tế phát triển. Tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để sớm khởi công xây dựng sân Cảng hàng không, quốc lộ 15D, đường ven biển biển, hoàn thành cao tốc đoạn qua địa phương… để có cơ sở hạ tầng giao thông tốt, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tạo điều kiện cho Quảng Trị phát triển lên tầm cao mới.