Qua đó, một mặt, vừa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; mặt khác chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu, độc, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.
1. Kết quả ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở.
Ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện là một trong những những nội dung quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW, vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện trong truyền tải, trao đổi thông tin; tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số và thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội; triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của của Tỉnh ủy Quảng Trị “đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về “chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh đã phối hợp với Viễn thông Quảng Trị triển khai phần mềm “Quản lý văn bản” ở các cơ quan ban Đảng và Nhà nước, thực hiện việc “ký số” trong ban hành văn bản. Đã xây dựng, ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính trong toàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ đường truyền kỹ thuật số trong tổ chức các hội nghị trực tuyến được triển khai rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid- 19 bùng phát.
Quảng Trị cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong tổ chức hoạt động thông tin cơ sở như: Xây dựng các tin bài bằng video phóng sự, các trailer truyền thông cổ động, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thông phòng chống dịch bệnh đến tận người dân, đặc biệt là trong thanh thiếu niên. Đưa vào hoạt động các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử với mục tiêu từng bước số hoá toàn bộ những hoạt động của các cơ quan, Sở, Ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân được tiếp cận nhanh, kịp thời các thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Sử dụng các hình thức truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân, như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, nhắn tin đến thiết bị di động thông minh… Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều có tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) đăng tải, chia sẻ tin, bài tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.
2. Kết quả đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin, truyền thông các năm qua trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí nhằm nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 87/125 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh với hơn 500 cụm loa tại các cum dân cư, thôn, xóm. Trong đó, có 75 Đài truyền thanh sử dụng công nghệ vô tuyến FM, 12 đài Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, cơ bản đều ứng dụng và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở, nhất là hoạt động truyền thanh. Một số Đài Truyền thanh cơ sở đã ứng dụng các mạng xã hội (Zalo, Facebook,...), mạng viễn thông để thông tin, tuyên truyền một cách nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão. Các đài này do UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác máy móc thiết bị, duy trì hoạt động để phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền tại các địa phương và truyền tiếp sóng các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất. Hiện tại, các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa đã có hệ thống Đài truyền thanh cấp xã, với công nghệ chủ yếu là truyền thanh không dây FM, một số xã đã đưa vào ứng dụng công nghệ truyền thanh thông minh IP.
Tỉnh cũng vừa đầu tư, lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống truyền thanh sử dụng công nghệ thông minh IP thay thế cho hệ thống FM truyền thống sử dụng thu phát sóng qua hệ thống cột ăng ten trước đây. Dự án có tổng mức đầu tư trong năm 2022 là 3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, được thực hiện theo Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 30/8/2021 của HĐND tỉnh với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng (14.997 triệu đồng), phân kỳ đầu tư trong 3 năm (2022-2024), dựa trên cơ sở của Nghị quyết số 201/NQ-HĐND ngày 16/7/2018 của HĐND tỉnh về Đề án “Đầu tư, nâng cấp Đài truyền thanh cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2025” và Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dựng công nghệ thông tin”. Theo đó, hệ thống cụm loa phát thanh sử dụng công nghệ thông minh IP được lắp đặt, thay thế cụm loa phát thanh FM công nghệ cũ, truyền thống. Theo đó, hệ thống loa được lắp đặt 89 cụm tại thành phố Đông Hà (40 cụm), thị xã Quảng Trị (42 cụm) và huyện đảo Cồn Cỏ (7 cụm). Đi kèm với cụm loa có các thiết bị như thiết bị máy tính quản trị phần mềm truyền thanh, phần mềm điều khiển, micro, bàn trộn âm thanh, Sim Data 3G/4G... Ưu điểm của hệ thống này là sử dụng phần mềm, cài đặt ứng dụng đồng thời trên cả 2 hệ điều hành IOS và Android. Mỗi đài được cấp các tài khoản để đăng nhập, quản lý, giám sát, vận hành tùy theo phân cấp; điều khiển, giám sát, phát trực tiếp từ xa bằng Smatphone một cách linh hoạt, mọi lúc mọi nơi.
Tổng số trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 2644 trạm (820 trạm 2G, 756 trạm 3G, 1068 trạm 4G). Nhờ việc phủ sóng của mạng di động, Internet, hiện tại, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội nhờ vậy đã kịp thời tiếp nhận, triển khai thông tin chỉ đạo từ cấp trên và tryền tải thông tin cần thiết, chính thống đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân.
Hầu hết các địa phương đã quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng của xã, điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, xây dựng tủ sách phục vụ nhu cầu đọc bà con; 101/125 xã, 9/10 huyện, thị, thành phố có báo đến trong ngày (trừ huyện đảo Cồn Cỏ).
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, đưa thông tin về cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp đã đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống một cách hiệu quả, tác động tích cực đến Nhân dân tạo nên những chuyển biến về nhận thức góp phần phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Minh Huyền