Một góc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các giải pháp đồng bộ vào các ngành kinh tế xã hội (KT-XH) của tỉnh để nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế xã hội, tạo ra môi trường, cuộc sống tốt đẹp cho người dân, doanh nghiệp. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị tiệm cận được với các đô thị thông minh hiện đại trong khu vực miền Trung - Tây nguyên và trên toàn quốc.
Việc ứng dụng CNTT và các giải pháp đồng bộ vào các ngành KT-XH trong toàn tỉnh, giúp nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động KT-XH, tạo ra môi trường sống tiện lợi nhất cho người dân, các nhà đầu tư và du khách, đối tác đến với Quảng Trị. Xác định mô hình đô thị thông minh với các thành phần phù hợp với tỉnh Quảng Trị. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho đô thị thông minh với trung tâm điều hành, nền tảng tích hợp đảm bảo kết nối được với các thành phần của đô thị thông minh, cơ sở dữ liệu tích hợp tiến đến một cơ sở dữ liệu mở. Xây dựng chính quyền điện tử làm nồng cốt để xây dựng đô thị thông minh.
Xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh (y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, an ninh…) hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, quản lý điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công ích (y tế, giáo dục…) thông minh trên cơ sở hạ tầng đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị triển khai đồng bộ hệ thống các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân thông minh như: điện, nước, ngân hàng, thương mại điện tử, du lịch, môi trường, quy hoạch và nhà ở đô thị… thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của đô thị thông minh.
Quan điểm chỉ đạo của địa phương trong việc xây dựng đề án đô thị thông minh là việc ứng dụng CNTT trong quá trình hiện đại hóa và hình thành các yếu tố hướng đến nền kinh tế tri thức. Việc xây dựng đô thị thông minh là một quá trình lâu dài, vì vậy cần phải có lộ trình và bước đi thích hợp. Xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi một quá trình đổi mới không chỉ phương tiện, thiết bị mà quan trọng hơn là đổi mới quy trình, phương thức hợp tác và thay đổi thói quen của con người.
Xây dựng đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng CNTT phải cải thiện và nâng cao tính tiện lợi hơn cho người dân. Việc xây dựng chính quyền điện tử kết hợp với đô thị thông minh để giúp cho cơ quan chính quyền điều hành và quản trị xã hội tốt hơn, từ đó cũng làm cho các mặt đời sống an sinh xã hội được cải thiện tốt hơn. Quá trình xây dựng đô thị thông minh phải có sự kế thừa và phát huy thành quả ứng dụng CNTT trong thời gian trước đó, các ứng dụng CNTT trong đời sống KTXH, đặc biệt ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử. Việc xây dựng đô thị thông minh sẽ phải kế thừa phát huy các thành quả đã đạt được, tránh đầu tư trùng lặp gây lãng phí xã hội.
Xây dựng đô thị thông minh phải bắt đầu bằng xây dựng một khung kiến trúc đô thị thông minh để làm công cụ quy hoạch việc xây dựng các ứng dụng đô thị thông minh, đảm bảo tích hợp, đồng bộ vào các lĩnh vực. Trên cơ sở đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT cho đô thị thông minh và lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên cho phù hợp với chiến lược phát triển KTXH của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh là công việc của toàn xã hội, chính quyền cần biến các mục tiêu xây dựng đô thị thông minh trong mỗi giai đoạn là nhiệm vụ chung, là quyết tâm của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Các giải pháp thực hiện nội dung của đề án bao gồm: Tổ chức quản lý về xây dựng đô thị thông minh; xây dựng cơ chế chính sách; phát triển nguồn nhân lực CNTT; tăng cường ứng dụng CNTT hướng đến đô thị văn minh; tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh liên kết; giải pháp tài chính; khoa học công nghệ; an toàn, an ninh thông tin; nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT trong xây dựng đô thị thông minh.