Trải qua những khó khăn ban đầu, đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả tốt khi giá thành và nguồn tiêu thụ ổn định, được thị trường nồng nhiệt đón nhận. Chính điều này đã mở ra một hướng đi mới và bền vững cho người dân phát triển sản xuất trên vùng gò đồi hoang hóa bạc màu….
Trồng cam trên đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Đến thăm xã Hải Phú những ngày giữa tháng 10/2019 khi cam đang vào vụ thu hoạch, trên những ngọn đồi úp bát, những vườn cam chín mọng, trĩu cành đang được người dân hái và bán cho các thương lái thu mua ngay tận vườn. Là một trong những người đi tiên phong lên vùng gò đồi K4 để lập nghiệp và trồng cam, hiện nay, gia đình ông Trần Ngọc Nhơn, Hợp tác xã Long Hưng, xã Hải Phú đang có 6 ha cam canh tác theo hướng cam sạch, hữu cơ.
Ông Nhơn cho biết, qua quá trình trồng thử nghiệm rất nhiều loại cam, giống cam Vân Du được mang từ Nghệ An thích hợp phát triển với vùng đất này. Quả cam mọng nước, ngọt và trái nhiều, ít bị sâu bệnh. Ngày trước người dân trồng cam vẫn sử dụng phân hóa học, nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, gia đình bắt đầu chuyển sang trồng cam hữu cơ.
Với việc sản xuất theo hình thức này, người nông dân phải mất nhiều công sức hơn do không sử dụng phân bón hay thuốc hóa học. Từ việc bón phân, trị bệnh cho cây đều theo quy trình nghiêm ngặt. Người trồng phải mất rất nhiều công sức, nhân lực và chi phí để mua, ủ các loại chế phẩm sinh học khác thay thế như: ớt, bã trầu, tỏi, gừng, rượu… để trị bệnh cho cây. Nhưng bù lại, giá cả và đầu ra của trái cam ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng…
Cũng như ông Nhơn, ông Trần Kim Phúng, Hợp tác xã Long Hưng, xã Hải Phú đã gắn bó với những ngọn đồi K4 đã được 12 năm. Sau khi trồng nhiều mô hình cây, con không hiệu quả, 6 năm trước, ông bắt đầu trồng cây cam và chính mô hình này đã thay đổi rất lớn đến cuộc sống gia đình ông.
Là một trong những hộ được chọn làm mô hình điểm trong trồng cam hữu cơ sạch, 3,5 ha vườn cam của ông hiện đạt năng suất và chất lượng rất cao. Riêng năm nay, vụ cam được mùa và cũng được giá, trung bình mỗi ha đạt từ 35-40 tấn, cam được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 15.000-20.000/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi được 500-600 triệu đồng.
Ông Kim Phúng chia sẻ, so với mô hình trồng cam bình thường, mỗi hecta trồng cam hữu cơ sẽ đắt hơn khoảng 40 triệu tiền chi phí. Bên cạnh đó, công sức người nông dân bỏ để chăm sóc cây rất lớn do phải mất nhiều công đoạn như ủ phân, ủ và trộn chế phẩm để trị bệnh cho cây… Nhưng bù lại, cây cam hữu cơ ít sâu bệnh, giá thành cao hơn, đầu ra ổn định, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Những gò đồi K4 hoang hóa giờ đây đã trở thành vùng chuyên canh trồng cây cam tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích khoảng 60,5 ha, hiện nay đang thu hoạch 16 ha. Mô hình trồng cam sạch hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thay đổi cuộc sống của nông dân vùng đất cằn cỗi “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” này. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, mô hình trồng cam hữu cơ đã mang lại thu nhập cho mỗi hộ dân từ 300-400 triệu đồng/ha.
Giá cam hữu cơ cũng cao hơn giá cam sản xuất bình thường khoảng 5.000-10.000 đồng/kg. Hiện nay, thương hiệu “Cam K4 Hải Phú” bán trên thị trường có giá từ 25.000-27.000 đồng, ở siêu thị có giá 30.000 đồng nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã tiến hành khâu nối liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...
Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết, để hình thành và phát triển vùng gò đồi K4 thành vùng chuyên canh trồng cam tập trung, huyện đã có những chính sách hỗ trợ phát triển cho người dân về giống và kĩ thuật.
Đặc biệt, về giống cam, huyện tiến hành hỗ trợ cho bà con 50% giá giống. Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kĩ thuật cho người dân hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình trồng cam sạch hữu cơ. Mặt khác, tiến hành kêu gọi, quảng bá tới các doanh nghiệp, các đơn vị về sản phẩm cũng như hỗ trợ người trồng dám tem truy xuất nguồn gốc.
Huyện cũng đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Cam K4 Hải Phú” được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2015. Đây là kết quả được hình thành từ sự chắt chiu và tâm huyết của cán bộ và nhân dân.
Hiện nay, thương hiệu “Cam K4 Hải Phú” đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành một sản phẩm chủ lực mũi nhọn của địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cũng như quảng bá tìm đầu ra ổn định và lâu dài cho sản phẩm…