Sông Đakrông vào mùa khô bắt đầu cạn nước, trơ ra hàng trăm bãi đá qua tháng năm bị dòng nước bào mòn, điểm xuyến ít rêu xanh đẹp như tranh vẽ. Cũng có đoạn sông còn lại nhiều vũng nước sâu, chính là nơi trú ngụ của các loài cá, ếch, cua… được xem là “đặc sản” của núi rừng.
Người dân xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) mang cá chình suối ra bán ở Quốc lộ 9.
Khi mặt trời khuất dần sau những dãy núi nhấp nhô, ông Hồ Văn Tư ở bản Vũng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) từ bờ sông Đakrông trở về.
Ông Tư được xem là người giỏi đánh bắt nhiều loại cá, cua đá, ếch suối của bản Vũng Kho. Trong chiếc túi ni lông chứa nước suối là mớ cá lăng, leo nhỏ còn lờ đờ bơi lội. Vợ ông nhanh chóng làm sạch mớ cá để chuẩn bị cho bữa cơm tối của gia đình.
Ngồi giữa sàn nhà nghỉ ngơi, thư thái sau một ngày lặn ngụp mệt mỏi, ông Tư chậm rãi kể, trước đây chỉ cần ra đoạn sông Đakrông trước nhà thả lưới, quăng chài là có thể đánh bắt chục cân cá chình, mát, lăng, leo…
Khoảng chục năm trở lại đây, người dân nhiều bản làng dọc sông Đakrông dùng kích điện đánh bắt vô tội vạ nên cá, cua, ếch cũng cạn kiệt dần.
“Như hôm nay, tôi phải ngược sông Đakrông gần 5 - 6 km mới đánh bắt được ít cá suối. Bây giờ, muốn đánh bắt được cá mát, chình, ếch suối… phải dùng đèn soi để đánh bắt vào ban đêm. Chứ ban ngày, cá, ếch, cua… chỉ nhác thấy bóng người là lặn sâu vào trong các hang đá, kẽ đá ngầm dưới lòng sông mất hút”.
Khi bóng đêm bao trùm lên bản làng, tôi cùng ông Hồ Văn Tư, anh Hồ Ta Hơ với đèn soi, lưới bén, vàng câu lặng lẽ xuống bờ sông để bắt đầu hành trình ngược sông Đakrông đánh bắt cá, ếch suối…
Điểm dừng chân đầu tiên là đoạn sông Đakrông cách bản Vũng Kho gần 4 - 5 km với từng bãi đá lô nhô và nhiều vũng nước sâu. Đã phân công từ trước, ông Tư dùng đèn soi đi dọc bờ đá mọc chen bụi rậm để bắt ếch suối. Còn tôi cùng anh Hơ men theo vũng nước rộng để giăng câu đánh bắt cá chình.
Vừa giăng câu, anh Hơ cho biết, câu cá chình cũng đơn giản, chỉ cần một vàng câu dài khoảng 50 - 60 m là có thể đánh bắt được. Vàng câu thường được bện bằng ba sợi gấc loại to; cứ cách 1,5m lại buộc một dây câu có đính lưỡi câu lớn.
Mồi câu cá chình tốt nhất là các loại cá suối hoặc ếch suối. Khoảng 7 - 8 giờ tối là bắt đầu thời điểm móc mồi, thả câu tốt nhất. Giăng câu xong, bắt đầu chuyển sang đánh bắt cá mát cho đến gần sáng mới quay lại điểm giăng câu để lần theo vàng câu gỡ cá chình.
“Hồi trước, tôi cũng như người dân bản Vũng Kho giăng câu mỗi đêm có thể kiếm được 5 - 7 con cá chình có trọng lượng 1 - 2 kg, giờ thì thỉnh thoảng mới kiếm được vài con. Giá cá chình suối thường cao (khoảng 500 - 700 nghìn đồng/kg) do chất lượng thịt cá thơm ngon gấp nhiều lần cá chình nuôi trong lồng bè trên sông. Nếu đêm nay may mắn mà kiếm được con cá chình 2-3 kg là có tiền triệu rồi. Cũng chỉ là hy vọng thế thôi, chứ cá chình suối giờ hiếm lắm”.
Thả xong vàng câu cá chình, anh Hơ cùng tôi đi đánh bắt cá mát bằng lưới bén. Theo anh Hơ thì cá mát được xem là “đặc sản” bởi cá mát chỉ có ở một số con sông như sông Đakrông, Sê Pôn, Sê Băng Hiêng (huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Cá mát lớn nhất bằng khoảng ba ngón tay người lớn (nặng từ 0,5 - 0,7 kg), trên thân có 6 chấm đen và vảy màu hồng nhạt. Cá mát sống ở các khe đá, hang ngầm dưới sông hoặc nơi thác nước chảy xiết. Cá thường kiếm ăn vào ban đêm.
Khi trời chập choạng tối cũng là lúc từng đàn cá mát nối đuôi nhau tìm ăn côn trùng trên mặt nước hoặc ăn các loại rong rêu bám vào đá…cho đến tờ mờ sáng hôm sau sẽ bơi về nơi ẩn nấp.
Muốn đánh bắt được nhiều cá mát thì phải đánh bắt vào ban đêm mới hiệu quả, còn ban ngày, những người giỏi bơi lội phải lặn xuống các khe đá rồi dùng súng bắn cá để bắn cá mát trong hang ngầm, khe đá dưới sông.
Bảo tôi ngồi chờ trên tảng đá, anh Hơ cầm tay lưới bén lội ùm xuống vũng nước rồi vừa bơi, vừa rải lưới ngang qua vũng nước. Thả xong tay lưới bén, anh Hơ lên bờ tiếp tục câu chuyện: “Khoảng tiếng đồng hồ nữa, lội xuống kéo lưới lên là chắc chắn có vài con cá mát mắc lưới. Công việc giăng lưới cá mát cứ đều đều lặp lại như vậy, chỉ khác là phải chuyển nơi giăng lưới từ vũng nước, khe đá này sang vũng nước, khe đá khác thôi.
Với tôi, không có loại cá nào ngon như cá mát. Tôi có thể ăn cá mát thay cơm. Cá mát được đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chế biến thành nhiều món ăn, nhưng ngon nhất vẫn là món cá mát không làm ruột (ruột cá mát có màu rêu xanh, ăn có vị đắng ngọt ở đầu lưỡi) nướng trên than hồng.
Chỉ cần chọn những con cá mát to bằng ba ngón tay, rửa sạch rồi dùng dao nhỏ rạch vài đường trên thân. Trước khi đặt lên nướng, cá mát sẽ được ướp với một chút muối, bột ngọt, sả băm nhỏ trong vòng 15-20 phút. Khi than hồng đã rực, cá mát lần lượt nằm gọn trên vỉ nướng và cứ khoảng 4 - 5 phút lại được trở đều một lần cho đến khi cá chín.
Bẻ từng miếng cá mát nướng cho vào miệng mới thấy hết sự thơm ngon, béo… đến tận miếng cuối cùng. Cá mát ngon như vậy, nên hiện tại có giá từ 300 - 400 nghìn đồng/kg mà không có để bán cho khách đặt mua”.
Đến quá nửa đêm thì tôi cùng anh Hơ gặp ông Tư ở bãi đá trên sông Đakrông cách bản Vũng Kho khoảng 9 - 10 km. Ông Tư đưa túi ni lông chứa 2 - 3 kg ếch suối. “Cố gắng đi soi ếch suối hết đêm cũng kiếm được khoảng 3 - 4 kg. Ếch suối hiện tại có giá khoảng 100 - 150 đồng/kg. Hôm nay, ếch suối ra bờ đá ngồi bắt côn trùng nhiều nên tôi không đánh bắt cá mát nữa”, nói rồi, ông Tư lại tiếp tục công việc bắt ếch của mình.
Trở về bản Vũng Kho sau đêm lặn ngụp trên sông Đakrông, mớ ếch suối, cá chình, mát được ông Tư và anh Hơ mang ra bày bán cho khách trên tuyến Quốc lộ 9 (tỉnh Quảng Trị) kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình vốn còn nhiều khó khăn. Có chứng kiến ông Tư, anh Hơ đánh cá, bắt ếch mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người được mệnh danh là “rái cá” trên sông Đakrông.
Hoàng Tiến (Báo Quảng Trị)