QUẢNG TRỊ TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN (tiếp theo và hết) 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII diễn ra trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu và toàn diện, tạo cơ hội mới, môi trường mới cho sự hợp tác phát triển. Sau 30 năm lập lại (1989 – 2020), tỉnh ta đã giành được những thành tựu to lớn làm tiền đề, cơ sở để tỉnh tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và cả nước có những diễn biến phức tạp, khó lường; điều kiện nguồn lực của tỉnh chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển; thiên tai, dịch bệnh, sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020... đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI và đời sống của Nhân dân trong tỉnh. Song, với khát vọng vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ đề của Đại hội là: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng – an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Đại hội đã đánh giá toàn diện các mặt mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra: Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25 điểm % so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế gấp 1,41 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020[i], gấp 1,6 lần năm 2015, bằng 79,1% của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 74,47% năm 2015 lên 78,49% năm 2020, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 25,53% năm 2015 xuống còn 21,51% năm 2020. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cộng đồng các doanh nghiệp từng bước vượt khó; đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo lộ trình; kinh tế tập thể có sự chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được nâng lên. Văn hoá, thể dục, thể thao có những mặt chuyển biến tích cực; Hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, sáng tác văn học, nghệ thuật có bước phát triển cả về hình thức và nội dung. Hoạt động khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; chăm sóc người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực.

Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, phát huy hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy. Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, có nhiều cách làm mới, sáng tạo.

Đại hội đánh giá khái quát: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm sau cao hơn năm trước và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; đã xác định được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội, biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội có hiệu quả; nhiều dự án trọng điểm đã được khởi động. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần thu hút nguồn lực cho phát triển. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt. Đảng bộ đoàn kết, sáng tạo, Nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu “đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.

Đây là thành quả quan trọng từ sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà, sự kế thừa và phát huy thành tựu của tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ sâu sát, thiết thực, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của các địa phương trong cả nước; sẽ tạo tiền đề, nền móng vững chắc cho quê hương phát triển.

Tuy nhiên Đại hội cũng nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm, đó là: Kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chất lượng chưa thực sự bền vững; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng, cơ bản không đạt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm, thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn và tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp. Quy mô, năng lực nền kinh tế còn hạn chế để tham gia khai thác hiệu quả từ những thuận lợi của Hành lang kinh tế Đông Tây mang lại. Một số chương trình, lĩnh vực trọng điểm kinh tế được kỳ vọng mang tính đột phá tiến triển chậm.

Đại hội đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2020 – 2025) với quan điểm chỉ đạo sát đúng:

- Chủ động hội nhập, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; tranh thủ cơ hội và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ số để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên; phát huy sức mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử và phẩm chất con người Quảng Trị.

- Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 03 trụ cột chính, đó là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch, trong đó, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng liên kết vùng trong phát triển.

- Phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ ngoại lực và chủ động nắm bắt thời cơ. Tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, kinh tế đối ngoại.

- Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, phát triển hài hòa; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có tâm huyết, khát vọng để xây dựng quê hương phát triển.

Đặc biệt, từ những bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, Đại hội đã xác định các chương trình, dự án trọng điểm, các ngành, lĩnh vực ưu tiên và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đó là: Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt định hướng phát triển vùng, miền; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tiếp tục sắp xếp, đổi mới nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế; Ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Thực hiện hiệu quả các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát triển hài hòa giữa thành thị với nông thôn; Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu.  

Đến nay, tỉnh đã chú trọng thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng. Trong điều kiện phải tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai năm 2020; phòng, chống Covid-19, bảo đảm phát triển kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân, với quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực phát triển kinh tế, xã hội đạt được kết quả quan trọng. Chỉ số phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2021của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, nhiều chỉ số cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 10.127 tỷ đồng, tăng hơn 6 % so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.646 tỷ đồng, hơn 76% dự toán địa phương và hơn 92% dự toán Trung ương, tăng gần 73% so cùng kỳ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương lớn về các công trình, dự án trọng điểm giúp Quảng Trị phát triển; cũng như tỉnh đã vận động được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án có quy mô lớn.

Các dự án trọng điểm được Chính phủ quan tâm thời gian qua có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh. Đó là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo tại huyện miền núi Hướng Hóa được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025; Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sơ đồ VII (2015-2020); Thủ tướng có văn bản về triển khai Dự án Cảng hàng không Quảng Trị; ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Quảng Trị tại huyện Hải Lăng. Khu công nghiệp này có nhà đầu tư thứ nhất là Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP); Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa; Công ty Sumittomo Corporation. Để hiện thực hóa được những kết quả trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; dành nhiều thời gian bàn và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể các vấn đề phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, xây dựng quy hoạch tỉnh, các dự án trọng điểm của tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo các dự án động lực cấp tỉnh trực tiếp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các dự án, công trình quan trọng.

Tư tưởng chỉ đạo là các chương trình, dự án tạo đột phá cần triển khai đúng tiến độ, chất lượng. Tiếp tục thực hiện đột phá giao thông, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và phát triển trục kết nối các trọng điểm kinh tế đã đề ra từ nhiệm kỳ trước; hình thành hành lang đường bộ và kinh tế từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy và kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Nổi bật là công nghiệp năng lượng sạch. Cuối năm 2021, tỉnh và các nhà đầu tư sẽ đưa vào vận hành trạm biến áp và đường dây 200KV cùng với đó có 18 dự án điện gió đi vào hoạt động, phát điện với công suất 690 MW.  

Trong dài hạn, tỉnh kêu gọi đầu tư thêm nhiều dự án điện gió với tổng công suất đạt 2.000 MW vào năm 2025; đạt 3.000 - 4.000 MW vào năm 2030.  Phấn đấu sớm đưa Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng với công suất 1.500MW hoàn thành đi vào hoạt động cuối năm 2025. Một tin vui nữa, trong Sơ đồ điện VIII (2020-2025), Quảng Trị được quy hoạch thêm 4.500 MW điện khí để phát triển.

Với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho Quảng Trị xây dựng Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tại Khu công nghiệp Đông Nam, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền trung. Đây là lĩnh vực tạo đột phá tăng nguồn thu ngân sách trong suốt nhiệm kỳ để Quảng Trị hiện thực hóa giấc mơ trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025.

Phát triển bao giờ cũng bắt đầu từ quá trình tự thân, có lẽ câu nói này mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, mỗi quốc gia, dân tộc, địa phương đều nằm lòng ý nghĩa của nó. Từ ngày tỉnh Quảng Trị được giải phóng (01/5/1972) đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Chặng đường xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, bền bỉ phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân. Mỗi chủ trương, nghị quyết của cấp ủy trong mỗi giai đoạn phát triển ký thác những nỗi niềm, sự trăn trở và hy vọng của các cấp lãnh đạo, phản ánh khát vọng cháy bỏng của các tầng lớp nhân dân. Dẫu biết rằng trên con đường đổi mới, phát triển những khó khăn, thách thức chưa phải đã hết, nhưng khát vọng vươn lên và niềm tin về tương lai tươi sáng của tỉnh nhà là động lực mạnh mẽ đã và đang thôi thúc mỗi người dân Quảng Trị tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh./. Phan Văn Lãn

 

[i] Cao hơn GRDP bình quân đầu người của Quảng Bình và Thừa Thiên Huế: Quảng Bình 47,9 triệu đồng/năm; Thừa Thiên Huế 51,3 triệu đồng/năm

607 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2020
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2020
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76236283