Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, đến ngày 18/7, các cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô còn tồn 750 tấn cá khô, chủ yếu là cá nục. Nguyên nhân là do thương lái Trung Quốc dừng thu mua mặt hàng này.
Thời điểm này đang là chính vụ của nghề nhưng hầu hết cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô nằm hai bên đường Xuyên Á đoạn qua xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã dừng hoạt động. Lò hấp tắt lửa đóng kín cửa, hàng nghìn chiếc vỉ dùng để phơi cá ngoài nắng cũng nằm án binh bất động trong kho.
Bình thường, những chuyến tàu khai thác cá nục, cá cơm cập bến cá Cửa Việt. Những con cá còn tươi rói được ngư dân nhanh tay vận chuyển lên bờ, sơ chế sạch sẽ rồi ướp muối. Sau đó, cá được xếp lên các vỉ lưới rồi đưa vào lò hấp.
Những vỉ cá hấp xong được đưa ngay ra ngoài trời nắng để phơi cho khô. Khi cá trên vỉ lưới khô, người dân nơi đây lại kiểm tra, phân loại từng con cá, trước khi xuất bán sản phẩm.
Tất cả công đoạn hấp cá phơi khô đều được người dân địa phương làm thủ công. Do đó, sản phẩm cá hấp phơi khô ở Gio Linh nổi tiếng thơm, thịt cá dai ngọt.
Đại diện cơ sở hấp cá phơi khô Hồng Mầu, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, giá cá nục khô hiện chỉ còn 40.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái. Với giá này, chủ cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô bị thua lỗ.
Bởi phải cần 2,5 kg cá nục tươi có giá khoảng 12.000 đồng/kg, mới làm được 1 kg cá nục khô, cùng với tiền công và chi phí khác thì các cơ sở không có lãi. Do đó, nhiều cơ sở phải dừng sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng, chính quyền đang tìm giải pháp, trước mắt là giúp chủ cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô tiêu thụ số hàng tồn.
Về lâu dài, tập trung tuyên truyền để ngư dân thực hiện đúng các quy định khai hải sản như ghi nhật ký khai thác, khai thác đúng vùng biển… để sản phẩm có truy xuất nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá khô.
Các làng nghề hấp cá phơi khô ở ven biển huyện Gio Linh, Quảng Trị không những tạo ra sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của địa phương mà còn giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Huyện Gio Linh hiện có trên 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô. Các làng nghề này chế biến khoảng 20.000 tấn cá biển/năm; trong đó, chủ yếu là cá nục và cá cơm./.
Nguyên Lý/TTXVN