UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức cuộc họp với Ban Quản lý Khu Kinh tế về Đề án “Phát triển kinh tế khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay”.
Cửa khẩu La Lay được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế từ tháng 6/2014. Theo định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu, Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay nhằm xây dựng khu vực này trở thành động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị; là cầu nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, đáp ứng nhu cầu giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu giữa các tỉnh biên giới hai nước.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây vẫn còn chậm trễ, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Trị, Đề án phát triển kinh tế khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 có phạm vi không gian tại khu vực đã được quy hoạch tại Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 với diện tích 49,94 ha làm vùng lõi và nghiên cứu phát triển các vùng lân cận có tiềm năng, lợi thế phù hợp xu hướng phát triển kinh tế của khu vực.
Đề án có mục tiêu xây dựng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay trở thành khu động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị, là đầu cầu nối quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) về phía Việt Nam, nối khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 1424/QĐ-TTg ngày 21/8/2015 về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay thành cửa khẩu quốc tế kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng cửa khẩu quốc tế La Lay trở thành trung tâm dịch vụ năng động trên tuyến PARA-EWEC, thu ngân sách qua cửa khẩu đạt trên 1.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân hằng năm trên 15%, đến năm 2030 đạt trên 500 triệu USD…
Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 định hướng ưu tiên sẽ thành lập khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế La Lay; Phát triển các khu chức năng, tập trung nghiên cứu lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo tính thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực thời gian tới; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kho bãi, máy móc thiết bị, yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường, đấu nối giao thông… theo đúng tiêu chuẩn, quy định; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ hỗ trợ tạo thành hệ thống logistics sau cửa khẩu hoạt động lâu dài, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Tại buổi làm việc nêu trên, một số ý kiến, giải pháp đã được nêu ra như: Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; Điều chỉnh mở rộng Quy hoạch Cửa khẩu quốc tế La Lay; Giải pháp tháo gỡ khó khăn xuất nhập khẩu hàng hóa; Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực cửa khẩu; Nhóm giải pháp về nhân lực; Nhóm giải pháp về cải cách hành chính, kiểm tra, giám sát và hợp tác quốc tế…
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, mục tiêu quan trọng khi xây dựng Đề án phải có được cơ chế để làm cơ sở huy động nguồn lực xây dựng.
Muốn có được chủ trương cho phép của các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ thì phải xây dựng nội dung Đề án kỹ lưỡng, chặt chẽ, trong đó căn cứ vào Quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 và các văn bản liên quan khác của Trung ương. Hạng mục nào không phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt thì phải chỉnh sửa đúng quy định.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cập nhật, lấy ý kiến của các ngành chức năng để hoàn thiện nội dung Đề án, làm rõ cơ sở pháp lý, nguồn lực, phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên; trong đó lưu ý đến nguồn vốn mà Chính phủ dự kiến bố trí cho các cửa khẩu và tiền thu phí hạ tầng cửa khẩu, cũng như các giải pháp căn cơ, kiến nghị đề xuất, tổ chức thực hiện… nhằm mục tiêu tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sự phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu thời gian tới.
https://vneconomy.vn/quang-tri-tim-giai-phap-phat-trien-khu-vuc-cua-khau-quoc-te-la-lay.htm