Sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formasa gây ra tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Quảng Trị, được đánh giá là thảm họa môi trường biển nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Sự cố này làm thiệt hại hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân vùng ven biển. Các tàu đánh bắt hải sản ven bờ gần như nằm bờ hoàn toàn, sản phẩm khai thác xa bờ khó tiêu thụ, hoạt động thu mua và kinh doanh hàng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng hoàn toàn bị ngưng trệ. Ngay khi sự cố xảy ra, toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở đều vào cuộc một cách quyết liệt để nhanh chóng triển khai công tác ứng phó khắc phục sự cố. Thực hiện các chính sách theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, cuộc sống của người dân các vùng ven biển dần ổn định.
Năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 5 hội nghị phổ biến chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động; những người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn, xuất cảnh. Trong năm, đã giải quyết việc làm cho 1.808 lượt người lao động ở vùng biển. Trong đó, việc làm trong tỉnh 782 lượt người, việc làm ngoài tỉnh 467 lượt người, việc làm ngoài nước 559 lượt người (xuất khẩu lao động 512 lao động, đi làm việc tại Lào 47 lượt người)
Thực hiện Quyết định số 3035/QĐ-UBND, ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phân bố kinh phí cho các địa phương thực hiện đào tạo nghề cho lao động vùng biển. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tỉnh đã thẩm định và thông báo điều kiện đảm bảo hoạt động đào tạo nghề cho từng địa phương và hướng dẫn thực hiện việc đào tạo, hỗ trợ các chính sách lao động tại các địa phương. Kết quả hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng biển với kinh phí thực hiện 1.8 tỷ đồng. Trong đó huyện Vĩnh Linh 11 lớp với 361 người, huyện Gio Linh 11 lớp với 295 người, huyện Triệu Phong 05 lớp với 105 người, huyện Hải Lăng 02 lớp với 71 người. Trong năm 2017, người lao động tại 16 xã, thị trấn ven biển tỉnh Quảng Trị đã vay vốn từ Qũy Quốc gia về việc làm là 24 người với số tiền 1.094 triệu đồng. Xuất cảnh làm việc tại thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với 238 người. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng biển được vay vốn sản xuất, mở các lớp đào tạo nghề, mang lại kiến thức nghề giúp nhiều người có thêm phương kế sinh sống, thu nhập ổn định. Ngày cả khi môi trường biển đã sạch trở lại, mọi hoạt động đánh bắt đều diễn ra bình thường thì một số người dân vùng biển vẫn ứng dụng những kiến thức đã học được từ các lớp đào tạo nghề, sử dụng như một nghề tay trái, cuộc sống của họ khấm khá lên từng ngày nhờ được tiếp cận các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm.
Nhằm giúp học sinh, sinh viên là con em vùng biển chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường gây ra, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3653/QĐ-UBND, ngày 28/12/2017 về việc tạm cấp kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí tạm cấp 11.100 triệu đồng. Trong đó, huyện Vĩnh Linh 2.332 triệu đồng; huyện Gio Linh 3.680 triệu đồng; huyện Triệu Phong 2.400 triệu đồng; huyện Hải Lăng 1.050 triệu đồng; thành phố Đông Hà 12 triệu đồng. Khi sự cố môi trường biển xảy ra, việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản là điều không thể. Chính vì thế, cuộc sống của nhiều người dân vùng ven biển gặp không ít khó khăn. Trong đó, nhiều học sinh, sinh viên là con em vùng biển có nguy cơ phải nghỉ học hoặc đi học với điều kiện hết sức thiếu thốn. Việc hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là một chủ trương, chính sách đúng đắn. Qua đó tiếp thêm động lực cho các em yên tâm cắp sách đến trường và cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bảo hiệm y tế cho người dân. Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã hướng dẫn quy trình cấp thẻ và thanh quyết toán kinh phí đóng BHXH cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển với 4.929 thẻ BHYT trong năm 2017, tổng kinh phí là 2.729.446.200 đồng. Môi trường biển bị ô nhiễm sau sự cố khiến cho nhiều người dân, nhất là những người dân sống ven biển không khỏi lo ngại đến tình trạng sức khỏe của mình. Nhờ được cấp phát thẻ BHYT miễn phí nên nhiều người có điều kiện đến thăm khám tại các cơ sở y tế chất lượng.
Ngoài việc quan tâm, thực hiện tốt các chính sách, tỉnh Quảng Trị còn phối hợp với các ban ngành chức năng liên quan thực hiện nhiều biện pháp để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân vùng biển như thực hiện mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân sống ven biển; kiểm tra, giám sát lấy mẫu hải sản chết bất thường; thu gom, tiêu hủy hải sản chết trôi dạt vào bờ biển; chi trả thiệt hại cho các đối tượng chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường biển gây ra... và nhiều hoạt động khác.
Sau hơn 2 năm sự cố môi trường biển xảy ra, vùng biển tỉnh Quảng Trị đã và đang hồi sinh. Cuộc sống của người dân vùng ven biển đã quay trở lại như thường ngày. Những con thuyền ra khơi, quay trở về với khoang thuyền đầy ắp thủy hải sản. Chợ lại tấp nập người mua kẻ bán với đầy đủ các lại cá tươi, mực tươi... dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng... hoạt động sôi nổi như được thổi một luồng gió mới. Tất cả những điều này cho thấy phần nào hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân vùng biển khắc phục sự cố của các cấp, ban ngành. Qua đó tạo dựng, củng cố lòng tin của nhân dân vào các hoạt động, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
HOÀNG THẢO NHI