Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 quy định đối tượng áp dụng là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Đồng thời, khi đã được giao nhận bò, người chăn nuôi phải cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 24 tháng đối với lợn và 48 tháng đối với trâu, bò; trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh.
Một con bò thuộc chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ được giao cho người dân.
Quyết định này cũng nói rõ, quá trình thực hiện, UBND các xã phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng thôn, bản, từng hộ chăn nuôi, hướng dẫn thực hiện chính sách tại cơ sở, kiểm tra và xác nhận đúng đối tượng được hưởng hỗ trợ. Đồng thời, quản lý, kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện chính sách tại địa phương.
Tuy nhiên, quy định là thế nhưng những gì diễn ra ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị lại khiến dư luận nơi đây xôn xao và đặt nhiều câu hỏi.
Theo đó, vào cuối tháng 12/2017, chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ được đưa về xã Triệu Độ với 10 con bò đực lai để làm giống hậu bị. Đến đầu năm 2018, có 10 hộ dân ở xã Triệu Độ được bàn giao nhận bò theo hình thức vốn đối ứng, nghĩa là giá bò 18.000.000 đồng, người nhận chỉ cần nộp số tiền 4.000.000 đồng là có bò hỗ trợ.
Thế nhưng, ngày 24/3, trao đổi với ANTT, 2 trưởng thôn ở Gia Độ và An Lợi đều không nắm rõ về việc triển khai chính sách hỗ trợ 10 con bò này và có người còn mơ hồ về danh sách những người được giao nhận bò.
Ông Trần Phước Đức, Trưởng thôn Gia Độ cho biết, mới đây, sau khi nghe tin có người dân viết đơn bức xúc gửi lên các cấp về vấn đề này, bản thân ông mới biết chính sách hỗ trợ 10 con bò đực về với thôn. Còn những ai ở thôn nhận bò, ông Đức không nắm rõ danh sách cụ thể.
Để nắm danh sách, PV tìm đến ông Hồ Văn Dần, trú ở thôn Gia Độ, người trực tiếp phản ánh sự không minh bạch về việc triển khai chính sách hỗ trợ 10 con bò này trên địa bàn.
Ông Dần thông tin, trong số người nhận bò có 9 hộ ở thôn Gia Độ, 1 hộ ở thôn An Lợi. Đáng chú ý, ông Dần chỉ ra trong số danh sách này, đa số là cán bộ xã cùng người thân. Không chỉ vậy, số bò sau khi được giao nhận, nhiều người đã bán bò thịt cho lò mổ để hưởng giá chênh lệch từ nguồn hỗ trợ (!?).
Ông Lê Công Thương, Trưởng thôn An Lợi chia sẻ, sau khi việc bò được giao nhận, nhiều người dân khác cũng đã thắc mắc vì sao không nắm việc này để được hưởng hỗ trợ. Trong một cuộc họp, ông Thương đã hỏi lãnh đạo UBND xã Triệu Độ về chuyện này thì được biết, người trực tiếp đưa thông tin hỗ trợ 10 con bò đực giống là ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ.
Ông Hồ Văn Hồng trao đổi với PV.
Trao đổi với ANTT, ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ thừa nhận, chính ông là người trực tiếp nắm chính sách hỗ trợ 10 con bò đực giống theo Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và đưa về xã triển khai.
Đồng thời, trong danh sách các hộ nhận bò, ông Hồng cũng cho biết ở thôn Gia Độ có ông Trần Quốc Tuấn là Trưởng công an xã Triệu Độ; ông Hoàng Thanh Chiến, Cán bộ văn phòng UBND xã; bà Trần Thị Huệ, vợ của anh Thắng, kế toán trưởng UBND xã; ông Trần Hiếu, em ruột bà Trần Thị Huệ; ông Trần Quốc, chủ lò mổ là anh ruột của Trưởng công an xã và ông Hồ Văn Thành là anh ruột của mình - Phó Chủ tịch UBND xã.
Liên quan đến thông tin, số bò sau khi được bàn giao, nhiều người không để nuôi tạo giống hậu bị mà đưa vào lò mổ bán thịt để kiếm chênh lệch, ông Hồng cho hay, chỉ có một số hộ do bò đưa về không quen với thức ăn, thời tiết địa phương trở nên gầy, họ sợ mất tiền nên đã bán. Việc bán này cũng đã báo cáo với xã.
Ông Hồng khẳng định, bò ở những cán bộ xã như ông Tuấn, ông Chiến hay người thân của cán bộ xã như ông Thành, ông Quốc vẫn còn.
(Còn nữa)
Lê Kông